Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Kiên Giang, đến nay, tỉnh đã có một huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 57/118 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó giai đoạn 2011-2015 công nhận 18 xã, giai đoạn 2016-2018 công nhận 31 xã…
Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Kiên Giang, thời gian qua, Ban Chỉ đạo của tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình trên cơ sở những thành quả đã đạt được, bài học kinh nghiệm từ giai đoạn trước, đặc biệt sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các địa phương đã quan tâm tập trung chỉ đạo những nội dung trọng điểm trên địa bàn, hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Bộ máy chỉ đạo, điều hành chương trình các cấp được hình thành đồng bộ, tập trung triển khai các chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, nhận thức của phần lớn cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới có chuyển biến rõ nét.
Xây dựng đường giao thông nông thôn và đưa điện lưới về với vùng sâu, vùng xa ở Kiên Giang. |
Thu nhập bình quân khu vực nông thôn ở Kiên Giang năm 2018 ước đạt 42,7 triệu đồng/người/năm, tăng 1,45 lần so với năm 2015 (29,5 triệu đồng); mức thu nhập bình quân xã đạt cao nhất 60 triệu đồng, trung bình xã có thu nhập khá từ 43,9 đến 53,7 triệu đồng, gồm các huyện Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên, Kiên Lương, Tân Hiệp, Giồng Riềng. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 83,1%, tỷ lệ dân số khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 94,2%; tỷ lệ sử dụng điện an toàn 99%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ước 48%. Thời gian tới, tỉnh tập trung mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới tại bốn huyện là Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận và Kiên Lương, nâng số xã đạt chuẩn lên 61 xã. Cùng với đó, toàn tỉnh phấn đấu bình quân đạt 16 tiêu chí/xã trở lên và thu nhập trên 50 triệu đồng/người/năm.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị các cấp và người dân; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm tăng thu nhập và giảm nghèo và xem đây là giải pháp căn cơ để thực hiện tiêu chí thu nhập, giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phải phát triển kinh tế đa ngành nghề tại nông thôn, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn nhằm mục đích cao nhất là tăng giá trị sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Đồng Tháp: Phát triển 15 nhãn hiệu ngành hàng nông sản chủ lực
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 15 nhãn hiệu ngành hàng nông sản chủ lực được chứng nhận và các ngành hàng phát huy hiệu quả; trong đó nhãn hiệu nông sản chủ lực như: xoài Cát Chu Cao Lãnh, xoài Cao Lãnh, làng hoa kiểng Sa Đéc, quýt hồng Lai Vung và nhãn Châu Thành.
Nhờ có nhãn hiệu sản lượng các sản phẩm ngày càng phát triển, bình quân hàng năm lúa đạt trên 3,3 triệu tấn, xoài đạt trên 90 nghìn tấn, quýt hồng Lai Vung hơn 30 nghìn tấn, nhãn Châu Thành hơn 50 nghìn tấn và hơn 3 triệu giỏ hoa kiểng…
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp, kết quả từ năm 2016 đến tháng 8-2018 nổi bật trong nông nghiệp thể hiện qua tổng giá trị sản xuất ngành hàng lúa ước đạt gần 45,4 nghìn tỷ đồng, nhãn hiệu Xoài Cao Lãnh và xoài Cát Chu Cao Lãnh đã xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Newzealand, Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ. Tổng giá trị sản xuất ngành hàng xoài ước đạt 4,6 nghìn tỷ đồng, tổng giá trị sản xuất ngành hàng hoa kiểng ước đạt hơn 6,5 nghìn tỷ đồng. Qua phát triển nhãn hiệu đã góp phần xây dựng và bảo vệ thương hiệu đặc sản của địa phương. Đồng thời liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh trong việc xây dựng, bảo vệ uy tín sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Từ đó, giúp người dân tăng thêm thu nhập, xây dựng được vùng sản xuất sinh thái bền vững; phát triển ngành hàng có tiềm năng của địa phương như lúa, xoài, hoa kiểng, cá tra và vịt trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.
Với sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận sẽ giúp cho các nhà vườn yên tâm sản xuất, nâng cao nâng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập cũng như chống lại các hành vi xâm phạm nhãn hiệu gây tổn hại đến danh tiếng, uy tín vốn có của sản phẩm đồng thời bảo vệ quyền lợi của người sản xuất chân chính./.
Theo dangcongsan.vn