Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm 2018, số lượt khám bệnh là 4.476.572 lượt, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017. Điều trị nội trú tăng so với cùng kỳ năm 2017 là 1,05 lần; điều trị ngoại trú tăng 1,24 lần. Số giường bệnh kế hoạch năm 2018 là 12.440 giường, tăng thêm 1.690 giường so với năm 2017. Cơ bản không còn tình trạng quá tải và nằm ghép, tình trạng quá tải chỉ xảy ra cục bộ ở một vài thời điểm tại một số khoa của một số bệnh viện tuyến thành phố như Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn; Bệnh viện Thanh Nhàn; Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Cùng với đó, các đơn vị trong toàn ngành tiếp tục thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế đáp ứng sự hài lòng của người bệnh trong công tác khám chữa bệnh. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, trong đó có giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến thành phố.
Cũng trong 10 tháng đầu năm, ngành y tế đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, đảm bảo không có dịch bệnh lớn xảy ra, phát hiện và xử lý dịch kịp thời, không để dịch bệnh mới bùng phát; đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng phòng chống dịch bệnh; duy trì hệ thống giám sát bệnh không lây nhiễm.
Bình Định: Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới
Tỉnh Bình Định phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp nông thôn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt từ 35 đến 40%; kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp các huyện đạt khoảng 20% so tổng kim ngạch toàn ngành. Hiện tỉnh tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm mới, có lợi thế; tiếp tục hỗ trợ 105 đề án chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh sản xuất, phát triển làng nghề, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
5 năm qua, tỉnh đã thực hiện 116 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng; trong đó, khuyến công quốc gia thực hiện 19 đề án với kinh phí 9,2 tỷ đồng và khuyến công địa phương 97 đề án với kinh phí gần 10 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn đầu tư máy móc, hiện đại hóa thiết bị sản xuất, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường. Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề; nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; phát triển sản phẩm tiêu biểu; hỗ trợ liên doanh, liên kết và phát triển các cụm công nghiệp… với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Nhờ đó, các cơ sở công nghiệp nêu trên hiện sử dụng hơn 75% nguyên liệu tại chỗ; mẫu mã, chất lượng sản phẩm được cải tiến, nâng cao, đáp ứng thị trường; tạo việc làm cho hơn 2.600 lao động nông thôn; thu hút vốn đầu tư hơn 114 tỷ đồng./.
Theo dangcongsan.vn