Thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử

07:11, 06/11/2018

Tiếp theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 6, sáng 5-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết, cơ quan này cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ, đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong thời gian 2 năm kể từ ngày 1-2-2019 để có thêm thời gian kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá một cách toàn diện tác động của chính sách này; trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trước thời gian kết thúc việc thí điểm.

Uỷ ban Quốc phòng - An ninh đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành hữu quan đề xuất điều chỉnh danh sách các nước có công dân thuộc diện thực hiện thí điểm, danh sách các cửa khẩu cho phép nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử bảo đảm phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của việc thí điểm; sớm xử lý, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện thí điểm, bảo đảm việc thực hiện thí điểm có hiệu quả thiết thực.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị đánh giá rõ những tồn tại và nguy cơ tiềm ẩn trong hoạt động nhập cảnh của người nước ngoài bằng thị thực điện tử đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của nước ta và định hướng giải pháp xử lý? Vì đây là lĩnh vực hoạt động rất nhạy cảm, phức tạp, khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia luôn trực tiếp, hiện hữu.

Thảo luận về vấn đề này, có ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân tỷ lệ áp dụng thị thực điện tử rất thấp để từ đó có giải pháp phù hợp.

Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), các báo cáo cho thấy “yên tâm” về đảm bảo an toàn trật tự và an ninh quốc phòng sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết. Tuy vậy, báo cáo của Chính phủ mới nêu những hạn chế chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện mà chưa đánh giá sâu về một chính sách rất mới.

Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật cũng nhấn mạnh việc kéo dài thực hiện chính sách này là biện pháp tình thế chứ không phải “thí điểm chồng lên thí điểm”. Do đó, Bộ Công an cần sớm bắt tay vào việc chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để sớm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc số lượng khách sử dụng thị thực điện tử chưa cao trước hết do tính phổ cập chưa rộng. Mới chỉ giới hạn ở 46 nước được cấp và 28 cửa khẩu áp dụng, thời gian cũng hạn chế, công tác tuyên truyền giới thiệu chưa mạnh nên lượng khách sử dụng thị thực điện tử chưa nhiều.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Chính phủ đã thành lập ban soạn thảo bắt tay sửa Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để trình Quốc hội đúng theo tiến độ.

Trong phần kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, các ý kiến đồng ý kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30 không quá 2 năm. Trong thời gian này, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương tổng kết, đề nghị Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để quy định nội dung này.

Chiều 5-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN).

Về vị trí, chức năng của CSBVN, đa số ý kiến nhất trí quy định CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân. Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội - cơ quan được giao thẩm tra dự Luật - cho biết, quy định “CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân” là kế thừa Pháp lệnh Lực lượng CSBVN năm 1998 và năm 2008; thực hiện hơn 20 năm qua không có vướng mắc và đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Về nhiệm vụ của CSBVN, ông Võ Trọng Việt cho biết, có ý kiến đề nghị rà soát với các lực lượng khác có chức năng quản lý, tuần tra, kiểm soát, cứu hộ, cứu nạn trên biển để tránh chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; quy định rõ nhiệm vụ chủ trì, phối hợp của CSBVN và sắp xếp lại vị trí các khoản.

Vẫn theo Chủ nhiệm Võ Trọng Việt, liên quan đến quyền hạn của CSBVN, có một số ý kiến còn băn khoăn về việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đặc biệt là trường hợp nổ súng; dự thảo Luật đã được chỉnh lý khoản 2, khoản 3 Điều này theo hướng quy định viện dẫn Điều 14 và Điều 15 dự thảo Luật; đồng thời, rà soát, chỉnh lý nội dung của điều luật./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com