Biểu quyết chi ngân sách Trung ương 2019 hơn 1 triệu tỷ đồng

07:11, 16/11/2018

Chiều 14-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách 2019 với 438/449 đại biểu có mặt tán thành (90,31% tổng số đại biểu).

Theo đó, tổng số thu ngân sách Trung ương là 810.099 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 601.201 tỷ đồng .

Tổng số chi ngân sách Trung ương là 1.019.599 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.354 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Quốc hội giao Chính phủ phân bổ vốn cho các chương trình, dự án có hiệu quả, có kế hoạch cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho dự án có khối lượng hoàn thành cao, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không dư thừa nguồn vốn. Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang.

Quốc hội cũng giao Chính phủ điều hành kinh phí chi trả phí phát hành trái phiếu Chính phủ trong phạm vi dự toán chi trả nợ lãi của ngân sách Trung ương năm 2019 được Quốc hội quyết định.

Sáng 15-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo đó, các đại biểu tập trung, làm rõ nhiều vấn đề còn băn khoăn như: Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; về chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm; về chính sách lương đối với nhà giáo…

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, chương trình sách giáo khoa (SGK) hiện quá nặng, khó tiếp thu. Vấn đề này có một phần nguyên nhân xuất phát từ người lớn. Người lớn nghĩ ra quá nhiều điều để nhét vào đầu óc non nớt của trẻ, làm cho việc học tập trở thành gánh nặng, áp lực quá lớn, một bộ phận không nhỏ trẻ sợ học, không thích học và chán học. Đặc biệt, tâm lý phụ huynh muốn con mình trở thành “con nhà người ta” nên bắt các cháu phải giỏi, giỏi toàn diện một cách quá sức, dẫn đến tâm lý hoang mang, hoảng sợ. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm trong giáo dục, trái với năng lực và sở trường của trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đồng tình cần phải giảm tải chương trình học. Để tránh quá tải trong dạy và học, đảm bảo sự cân đối, đề nghị quy định cụ thể hàm lượng, dung lượng nội dung về lịch sử, văn hóa, xã hội ở địa phương biên soạn.

Cũng đề cập đến chương trình, SGK, đại biểu Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) cho hay, trong Dự thảo có quy định, mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK. Cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập trên cơ sở tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.

Về chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS công lập, nhiều đại biểu tán thành với việc bổ sung chính sách không thu học phí đối với học sinh diện phổ cập như trong Dự thảo Luật và ủng hộ việc giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh THCS trường tư thục; trước mắt ưu tiên triển khai thực hiện chính sách này ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, cần quy định trong Dự thảo Luật điều khoản chuyển tiếp về thời điểm thực hiện, cũng như các chính sách phát triển xã hội hóa tương ứng.

Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ trân trọng tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và khẳng định, với những vấn đề lớn sẽ nghiên cứu thấu đáo, có đánh giá tác động.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi được tiếp thu theo hướng thể hiện rõ hơn quan điểm, mục tiêu, nội dung của Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đồng thời, cập nhật tinh thần các Nghị quyết gần đây - đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập - có liên quan nhiều đến giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ rà soát cụ thể hơn các vấn đề xã hội đang bức xúc, những vấn đề gây “nút thắt” cho đổi mới giáo dục, từ đó lựa chọn, xác định rõ những gì có thể thì đưa cụ thể luôn ở trong Luật, nhằm khi triển khai không cần đợi các văn bản hướng dẫn, đảm bảo tính khả thi, giúp Luật đi vào cuộc sống.

Cũng trong ngày làm việc 15-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com