Quốc hội biểu quyết 5 Luật và thảo luận dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

07:11, 20/11/2018

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 19-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Trong quá trình thảo luận tổ, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc mở rộng phạm vi sửa đổi và đổi tên gọi của dự án Luật là “Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)”; đồng thời đề nghị xem xét, thông qua dự thảo Luật theo quy trình tại 3 kỳ họp: cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung: tổ chức khu sản xuất, điểm lao động và tổ chức dạy nghề ngoài trại giam; tha tù trước thời hạn có điều kiện; việc cụ thể hóa quy định về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; quyền, nghĩa vụ của người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án; thi hành các hình phạt đối với pháp nhân thương mại; việc phối hợp giữa cơ quan thi hành án hình sự với các cơ quan Nhà nước có liên quan; phương thức thi hành án…

Chiều 19-11, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Luật Đặc xá (sửa đổi) không đề nghị đặc xá đối với người phạm tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tội chống phá cơ sở giam giữ.

Đồng thời, căn cứ vào tình hình cụ thể trong mỗi đợt đặc xá, Luật giao cho Chủ tịch nước quyết định không đặc xá đối với các trường hợp khác.

Liên quan đến điều kiện đặc xá, Luật quy định trường hợp Chủ tịch nước quyết định thời gian đã chấp hành án phạt tù ngắn hơn so với thời gian quy định khi thuộc một trong các trường hợp như: Người đang mắc bệnh hiểm nghèo; người đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân có kết luận của Hội đồng giám định y khoa, Bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên; người từ đủ 70 tuổi trở lên; phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi đang ở với mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình, có xác nhận của UBND cấp xã nơi gia đình người đó cư trú...

Một điểm đáng chú ý nữa là việc Luật quy định trường hợp được đề nghị đặc xá dù mới chỉ thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự đối với người bị kết án phạt tù.

Trường hợp phải thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước thì phải được người được thi hành án đồng ý hoãn thi hành án hoặc không yêu cầu thi hành án đối với tài sản này.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ cơ quan nào có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc người được đặc xá phải thực hiện cam kết về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác và chế tài xử lý nếu người được đặc xá không thực hiện sau khi được đặc xá.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thi hành án dân sự nói chung và thi hành phần dân sự trong bản án hình sự nói riêng đã được quy định cụ thể trong Luật Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ các văn bản nêu trên để tổ chức thi hành.

Trong phiên họp chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com