Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ

07:11, 02/11/2018

Ngày làm việc thứ chín (31-10), thứ mười (1-11) kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XIV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, QH tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV.

Trả lời chất vấn của các đại biểu QH về công tác và thực trạng giữ gìn di sản của đất nước, Bộ trưởng VH, TT và DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Bộ đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tu bổ di tích, giữ gìn tối đa yếu tố văn hóa, lịch sử, giá trị của di tích. Trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm, yêu cầu trả lại giá trị nguyên gốc. Bộ trưởng cho biết thêm: Việc đầu tư bảo tồn giá trị của di sản đem lại giá trị kinh tế rất cao. Nếu chúng ta quan tâm đầu tư lĩnh vực này sẽ thu hồi ngân sách nhanh, không bị thua lỗ, góp phần quan trọng phát triển kinh tế đất nước.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời chất vấn của đại biểu QH về công tác thu hồi nợ đọng thuế, những năm gần đây số thu được đã tăng lên, chiếm khoảng 82% tổng nợ đọng. Hằng năm, Bộ Tài chính đôn đốc thu các khoản tiền thuế, vì vậy tỷ trọng nợ đọng thuế giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, hiện nay, tổng số nợ thuế vẫn còn khá lớn. Bộ đang rà soát, phân tích thực trạng nêu trên để báo cáo QH biện pháp thu hồi một cách hiệu quả hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tổng kết Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tổng kết Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Trả lời chất vấn của các đại biểu QH về việc quản lý sử dụng đất (SDĐ) của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa và quản lý xuất hóa đơn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính nhận định, việc quản lý SDĐ sau cổ phần hóa của doanh nghiệp là vấn đề rất quan trọng và trong thời gian qua đã thực hiện công tác này theo các quy định của pháp luật về đất đai. Việc quản lý, SDĐ của doanh nghiệp sau cổ phần hóa ở các địa phương sẽ do địa phương chịu trách nhiệm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126 quy định: các phương án quản lý, SDĐ sẽ được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi cổ phần hóa. Sau đó, các doanh nghiệp phải SDĐ đúng mục đích đã được phê duyệt, nếu có ý định chuyển đổi phải thu hồi và đấu giá. Đối với quản lý hóa đơn, Bộ đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp, trong đó đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về hóa đơn điện tử; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sử dụng hóa đơn; nghiên cứu sửa đổi Luật Quản lý thuế; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân mua hàng phải được xuất hóa đơn; cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt...

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn về hiệu quả các dự án bô-xít Tây Nguyên. Bộ trưởng cho biết: Hiện tại, chúng ta đang triển khai hai dự án sản xuất alumin là Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đác Nông). Một số vấn đề lớn được dư luận quan tâm, như: công nghệ, vận hành ổn định, tác động môi trường, tác động tới kinh tế địa phương... cơ bản đạt được. Mục tiêu của chúng ta không chỉ khai thác alumin mà còn chế biến. Bộ đang triển khai, lấy ý kiến của các bộ: KH và CN , TN và MT, Tài chính, Công an... đánh giá nhiều khía cạnh khác nhau, như: hiệu quả, môi trường, an ninh, xã hội, kinh tế. Thời gian kết thúc đánh giá vào cuối năm 2018.

Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường được chất vấn về nhóm giải pháp cho phát triển nông nghiệp. Bộ trưởng cho biết, riêng về khu vực nông nghiệp, trong ba năm, đã có 5 bộ luật hoàn thành. Đáng chú ý, chúng ta đã huy động được gấp ba lần số doanh nghiệp vào đầu tư khu vực nông nghiệp, đồng thời tăng gấp ba lần số HTX, nâng tổng số lên 13.200 HTX. Riêng năm 2018, hơn 10 nghìn tỷ đồng của các thành phần kinh tế - xã hội đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp. Nền nông nghiệp nước ta đang đi đúng hướng với những tín hiệu tích cực.

Về việc phân bổ nguồn lực cho phát triển nông thôn mới, Bộ trưởng cho biết: Cả nước đang tập trung phát triển nhanh xây dựng NTM, đến nay được khoảng 40,3% số xã đang phát triển tốt. Nguồn lực Trung ương dành cho chương trình này giai đoạn 2016-2020 tăng gấp 4 lần so với trước. Trong thời gian tới, các địa phương sẽ tìm ra những vấn đề chưa hợp lý, bất cập trong quá trình xây dựng NTM để rút kinh nghiệm, phân bổ nguồn lực cho trúng hơn và bảo đảm phát triển cân đối.

Trả lời chất vấn các đại biểu QH về những hạn chế trong công tác xét xử, sự gia tăng và tồn đọng nhiều vụ án hành chính; quy trình xét xử chậm được xem xét, giải quyết đơn giám đốc thẩm và tái thẩm, số lượng đơn tăng lên thời gian qua, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, số lượng án hành chính tăng đều theo các năm, với tốc độ là 11%/năm, chủ yếu liên quan đất đai và là những vụ việc rất khó do nhiều lý do khác nhau. Tỷ lệ giải quyết án hành chính thấp, chỉ đạt 39% trong khi yêu cầu của QH là 60%. Tồn đọng của án hành chính nhiều, nhất là ở các thành phố lớn, khu trung tâm công nghiệp và thời gian giải quyết các vụ án hành chính kéo dài.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao trả lời chất vấn về tình trạng Viện KSND trả hồ sơ rất nhiều, chủ yếu trả và hủy án trên cơ sở do vi phạm tố tụng. Theo Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, qua kiểm tra cho thấy có 60% số vụ án có những sai sót về mặt trách nhiệm, thủ tục của kiểm sát viên. Viện KSND Tối cao đã chỉ đạo để khắc phục cũng như xử lý. Thời gian tới Viện KSND Tối cao sẽ cố gắng hạn chế thấp nhất để xảy ra án oan sai. Hiện nay, các cán bộ điều tra, kiểm sát viên, kể cả thẩm phán đang có trách nhiệm rất lớn, lúc nào cũng phải cân nhắc kỹ khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước đang đặt ra trọng trách mà cán bộ khi thực thi nhiệm vụ phải hết sức cân nhắc. Trong năm 2018, cơ quan điều tra, Viện KSND Tối cao đã khởi tố, bắt giam 22 cán bộ có sai phạm.

Trả lời chất vấn về tình hình tội phạm ma túy tăng nhanh, số người nghiện này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm cao, nhiều loại ma túy mới cực độc xuất hiện tại Việt Nam, tệ nạn ma túy không chỉ diễn ra tại các đô thị mà còn lan về nông thôn, miền núi... Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết: Vấn đề tội phạm ma túy đang diễn ra đáng lo ngại, số người nghiện tiếp tục gia tăng. Hiện nay toàn quốc có 224.690 người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát, nhưng trên thực tế con số này lớn hơn nhiều, trong khi công tác lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện rất khó khăn do quy trình, thủ tục.

Đối với chất vấn của một số đại biểu về việc sử dụng mạng xã hội để thông tin sai sự thật, Bộ trưởng TT và TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện đã có trung tâm quốc gia về giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng, tới đây Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng các công cụ giám sát, phân tích thông tin sai sự thật (mỗi ngày xử lý được khoảng 100 triệu thông tin) và các công cụ “quét rác” để hạn chế thấp nhất những thông tin xấu, độc hại. Trước thực tế đối tượng sử dụng mạng xã hội xuyên biên giới, Bộ đã và sẽ tiếp tục yêu cầu các nhà cung cấp tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam, xây dựng chế tài để cương quyết xử lý những đối tượng cố tình vi phạm.

Về Dự thảo Luật Giáo dục và quy chế học sinh, sinh viên (HS,SV) theo dự thảo của Bộ GD và ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, theo quy trình xây dựng văn bản pháp luật, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, sau khi rà soát và báo cáo Chính phủ, được phép trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét cho ý kiến tại phiên họp vừa qua, xét thấy Luật có liên quan mọi người, mọi nhà, do vậy phải lấy ý kiến rộng rãi.

Trả lời chất vấn của đại biểu QH về giải pháp đột phá trong dạy nghề cho lao động nông thôn để tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, cho nông dân, Bộ trưởng LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung cho biết, để tạo sự đột phá trong nội dung này, đào tạo nghề thời gian tới phải gắn với hai trục xoay, đó là tái cơ cấu nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa. Vì vậy, Bộ sẽ triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp mà Chính phủ đề ra. Trong đó, chú trọng tăng cường gắn kết đào tạo nghề với các doanh nghiệp; huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào tất cả các khâu, từ dự báo, xác định nhu cầu đào tạo, quy mô, cơ cấu, chuyển mạnh sang đào tạo cho đầu ra, sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ; đào tạo gắn với việc sử dụng, gắn với thị trường, bảo đảm có thị trường tiêu thụ bền vững. Trên cơ sở đó, tháng 12 tới, Bộ NN và PTNT cùng Bộ LĐ-TB và XH sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về vấn đề đào tạo nghề khu vực nông thôn.

Trả lời ý kiến đại biểu về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên còn tình trạng mất cân đối trong cơ cấu giữa nhu cầu thực tế giáo viên và chỉ tiêu về số lượng giáo viên tại các địa phương, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về định mức số lượng người làm việc theo vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục theo quy định. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng, bố trí và sử dụng đội ngũ giáo viên của các địa phương, chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với những địa phương vi phạm. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, xác định, phân công cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ, UBND các cấp và các cơ quan liên quan, nhằm góp phần bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước về giáo dục; bảo đảm tương ứng giữa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm với nguồn lực giáo viên và các nguồn lực khác để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ngày chất vấn cuối cùng (1-11), có 53 đại biểu đăng ký chất vấn các "Tư lệnh" ngành. Trong phiên chất vấn, lãnh đạo Chính phủ cùng các "Tư lệnh" ngành đã lần lượt trả lời chất vấn của đại biểu QH về các vấn đề: Giải pháp ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng; xử lý tình trạng làm giả bệnh án tâm thần để trốn tội; quản lý thị trường tiền tệ; áp dụng trần lãi suất; phát triển thanh toán điện tử liên ngân hàng; xử lý sim rác; xử lý tro xỉ các nhà máy nhiệt điện; giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí sách giáo khoa, chấn chỉnh sai phạm thi cử; giải quyết vấn đề vệ sinh trường học; xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, xây dựng các công trình ứng phó biến đổi khí hậu; cơ chế thu hút nhân tài; công tác cán bộ; triết lý giáo dục; liên thông kết quả xét nghiệm y tế; thực hiện chính sách người có công; bảo vệ môi trường; công tác thanh tra; cải cách thủ tục hành chính trong việc đổi chứng minh thư sang thẻ căn cước công dân; thanh tra xử lý các dự án thua lỗ...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời về việc các bệnh viện kê đơn thuốc đắt tiền không cần thiết, kê đơn sai sót, nhận trách nhiệm về quản lý nhà nước của Bộ Y tế, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu. Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm hơn với những trường hợp vi phạm.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận thực trạng "người người, nhà nhà" làm du lịch dẫn đến lãng phí tài nguyên du lịch đất nước. Để chấn chỉnh thực trạng này, Bộ đã tập trung vào một số giải pháp như: Thực hiện Nghị quyết 103 của Chính phủ về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; tái cơ cấu ngành du lịch Việt Nam; hướng dẫn các địa phương trong liên kết phát triển du lịch, trọng tâm là liên kết phát triển hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và quảng bá du lịch.

Về vấn đề phiền toái trong sử dụng căn cước công dân, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an tiếp thu ý kiến các đại biểu và sẽ sửa đổi các thông tư hướng dẫn trong quý 1-2019, điều chỉnh một số nội dung nhằm giảm phiền toái cho người dân trong việc sử dụng căn cước công dân.

Trả lời chất vấn về thực hiện chính sách người có công Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Thời gian qua, việc xem xét công nhận người có công đã tiến hành theo các quy định hiện hành. Việc giải quyết hồ sơ người có công được làm quyết liệt, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn hiện tượng trục lợi chính sách. Song Bộ và các địa phương đã kiên quyết xử lý vi phạm và bước đầu có hiệu quả nhất định. Bộ trưởng cũng cho biết, quan điểm của Bộ là không ban hành Luật Người có công mà tiến hành quy trình để trình Thường vụ QH sửa đổi toàn diện Pháp lệnh Người có công với cách mạng và lập đường dây nóng tố giác hành vi vi phạm.

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã giải đáp chất vấn của đại biểu về việc có hay không dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong quản lý sử dụng tài chính công và khẳng định “Kiểm toán Nhà nước nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tính liêm chính, trung thực. Chúng tôi cam kết có một thông tin về tiêu cực của kiểm toán viên thì sẽ xử lý và công khai tới đại biểu”.

Trả lời đại biểu QH về trách nhiệm nêu gương và cơ chế từ chức của cán bộ, công chức hiện nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Luật Cán bộ, công chức cũng có quy định 5 hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Riêng với cán bộ lãnh đạo thì có hình thức bãi nhiệm, miễn nhiệm. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa có quy định rõ về hình thức từ chức. Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu ban hành các văn bản quy định cụ thể về vấn đề này.

Thống đốc Lê Minh Hưng đã trả lời chất vấn về vấn đề nóng được dư luận quan tâm là Thông tư 19/2018 hướng dẫn người dân được lưu hành tiền đồng (VND) và Nhân dân tệ (NDT) tại các tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc trong khi Hiến pháp Việt Nam chỉ coi VND là tiền thanh toán, như vậy có vi phạm Hiến pháp không? Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định Thông tư 19 tuân thủ đầy đủ các quy định của Hiến pháp, Luật Ngân hàng Nhà nước và Pháp lệnh Ngoại hối.

Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn về tình trạng "chạy án" bằng bệnh án tâm thần, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị xử lý nghiêm các vụ án hình sự có hành vi chạy án bằng bệnh án tâm thần. Bộ Công an cần phối hợp cùng Bộ Y tế để giải quyết tình trạng này.

Từ 15h50, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu QH.

Tiếp đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com