Đây là cách đánh giá mới, được thực hiện hằng quý, thay vì đánh giá từng năm như trước. Kết quả đánh giá là căn cứ để thành phố chi trả thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, có 3 nhóm tiêu chí để đánh giá, phân loại công chức gồm: Ý thức tổ chức, kỷ luật, phẩm chất đạo đức (tối đa 20 điểm); năng lực, kỹ năng (tối đa 30 điểm) và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tối đa 50 điểm). Trong đó, công chức hoàn thành từ 90-100% công việc đảm bảo tiến độ, đạt chất lượng mới được đạt điểm tối đa của nhóm tiêu chí này (50 điểm). Trường hợp công chức hoàn thành dưới 50% kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao sẽ bị 0 điểm.
TP HCM tăng lương cho công chức dựa trên đánh giá hàng quý. (Ảnh minh họa) |
Kết quả chấm điểm sẽ phân loại công chức thành 4 nhóm, gồm: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (từ 80 đến 100 điểm), hoàn thành tốt nhiệm vụ (từ 65 đến dưới 80 điểm), hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực (từ 50 đến dưới 65 điểm) và không hoàn thành nhiệm vụ (dưới 50 điểm). Công chức bị kỷ luật trong quý sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.
Dự kiến trong quý 3 năm nay, thành phố sẽ áp dụng cách đánh giá mới này tại các đơn vị, cơ quan, ban, ngành…
Vĩnh Long: Tập trung phát triển công nghiệp
Năm 2030 tỉnh Vĩnh Long phấn đấu cơ bản phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường và đến năm 2045 phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại. Tỉnh cũng đề ra lộ trình đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 25,6%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong ngành công nghiệp đạt 5% và tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt 12%. Giai đoạn 2026-2030, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP đạt 32,6%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong ngành công nghiệp đạt 20%; tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt 12,6%. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt 70%. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung hoàn thiện hạ tầng và khai thác có hiệu quả các khu, tuyến công nghiệp hiện có.
Để đạt mục tiêu nêu trên, Vĩnh Long chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp chủ yếu dựa vào tài nguyên và lao động, có tác động xấu đến môi trường sang các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Theo đó, giai đoạn đến năm 2030, tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm ứng dụng công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp cơ khí, chế tạo phục vụ nông nghiệp… Đến giai đoạn 2030-2045, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp dệt may, da giày ứng dụng công nghệ kỹ thuật số… Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp./.
Theo vov.vn