Hà Nội: Hội sách Hà Nội 2018 tập trung giới thiệu sách điện tử, sách nói

08:10, 02/10/2018

Hội sách Hà Nội lần thứ năm (2018) sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 7-10 tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội (số 19C Hoàng Diệu, Hà Nội).

Năm nay, hội sách có chủ đề “Sách và công nghệ số”. Theo đó, điểm nhấn của chương trình là không gian trưng bày, giới thiệu về sách điện tử, sách nói (audio book), các công nghệ kết hợp giữa sách giấy truyền thống và ứng dụng trên thiết bị thông minh…

Ngoài ra, Hội sách Hà Nội còn có sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách trong nước và nước ngoài với quy mô khoảng 200 gian hàng giới thiệu tới bạn đọc những tựa sách thuộc nhiều thể loại khác nhau: sách văn học, sách lịch sử, sách khoa học, sách kỹ năng sống, sách nuôi dạy trẻ, sách kinh doanh… Đại diện ban tổ chức cho hay, các đơn vị tham gia hội sách sẽ thực hiện nhiều chương trình giảm giá với các loại xuất bản phẩm. Bên cạnh đó, ban tổ chức Hội sách Hà Nội tiếp tục phối hợp với Sở GD và ĐT Hà Nội, Thành Đoàn Hà Nội phát động trong hệ thống trường học, cơ sở Đoàn, độc giả tham gia hội sách ủng hộ, quyên tặng sách cho các thư viện trường học và các điểm bưu điện văn hóa các xã khó khăn trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc…

Hội sách do Sở TT và TT Hà Nội tổ chức. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2018).

Long An: Thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững

Qua ba năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Long An đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo được các cấp, ngành trong tỉnh triển khai tốt, tạo điều kiện cho hộ nghèo ổn định đời sống, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Cụ thể, tỉnh thực hiện nhiều dự án đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu, duy tu bảo dưỡng công trình cho 18 xã biên giới và bãi ngang. Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng nguồn vốn dư nợ hơn 6.500 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã triển khai cấp miễn phí hơn 290 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, 231 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo, 108 nghìn thẻ cho các đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí hơn 304 tỷ đồng; xây dựng 942 căn nhà đại đoàn kết.

Cùng với đó, công tác giáo dục, đào tạo nghề và giải quyết việc làm đạt được nhiều kết quả tích cực với hơn 51 nghìn lao động được đào tạo nghề và hơn 117 nghìn lao động được giải quyết việc làm. Quỹ "Vì người nghèo" đã vận động được gần 43 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo... Nhờ đó, số hộ nghèo của tỉnh giảm từ 4,03% (năm 2016) xuống còn 2,93% (tháng 6-2018)./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com