Sở Du lịch Hà Nội cho biết, năm 2018, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các chỉ tiêu về lượng khách du lịch của Thủ đô đều đạt cao hơn so với cùng kỳ năm trước và đạt tỷ lệ cao so với kế hoạch năm.
Dự kiến, 9 tháng năm 2018, khách du lịch đến Hà Nội đạt gần 20 triệu lượt, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt trên 4,3 triệu lượt, tăng 20%. Thị phần khách du lịch quốc tế đến Hà Nội chiếm gần 40% so với tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều khách đến từ các thị trường có khả năng chi trả cao như Tây Âu, Ốt-xtrây-li-a, Bắc Mỹ, Đông Âu, Đông Bắc Á...
Năm 2018, Hà Nội phấn đấu đón 25,4 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5,5 triệu khách quốc tế. |
Các thị trường khách du lịch trọng điểm đến Hà Nội vẫn tập trung vào các nước và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Ốt-xtrây-li-a, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po, Ca-na-đa. Trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường khách du lịch hàng đầu.
Các điểm du lịch thu hút đông khách tham quan là khu di tích Hoàng thành Thăng Long, khu di tích danh thắng Hương Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các điểm đến ở huyện Ba Vì, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam…
Thái Nguyên: Tiếp tục thu hút đầu tư
UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, tính đến ngày 22-8, ngoài 38 nhà đầu tư với 50 dự án được trao Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 47 nghìn tỷ đồng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thì từ đầu tháng 7 đến nay, đã có thêm 8 nhà đầu tư mới đến tìm hiểu, đăng ký đầu tư tại tỉnh, với số vốn dự kiến thêm gần 8.000 tỷ đồng. Trong số này, UBND tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với 3 nhà đầu tư, cho 6 dự án, với số vốn đăng ký hơn 4.200 tỷ đồng. Ngoài ra, một số nhà đầu tư đã được ký biên bản ghi nhớ hợp tác tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, đã tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu thực tế và đề xuất với tỉnh nghiên cứu thêm một số lĩnh vực khác.
Đây được xem là những tín hiệu rất tích cực đối với môi trường đầu tư của tỉnh để ngày càng có nhiều hơn nữa các dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh, trên nhiều lĩnh vực, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu Thái Nguyên trở thành tỉnh tự cân đối được ngân sách trước năm 2020./.
Theo chinhphu.vn