Nhận được tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, lãnh đạo nhiều nước đã gửi điện chia buồn tới Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến Chủ tịch nước.
Chiều tối 21-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chít thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhân dân Cách mạng Lào, Quốc hội, Chính phủ nước CHDCND Lào và Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước đã gửi điện chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Bức điện viết: “Chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp của đồng chí Trần Đại Quang cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí, nhất là trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội của Việt Nam. Đồng chí Trần Đại Quang là nhà lãnh đạo có đóng góp quan trọng vào việc phát triển mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam trong thời gian qua. Sự ra đi của đồng chí Trần Đại Quang, không chỉ Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mất đi một nhà lãnh đạo kính yêu, mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào chúng tôi cũng mất đi một người bạn thân thiết và gần gũi. Trong giờ phút đau thương này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Quốc hội, Chính phủ nước Lào và Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ nước Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tới nhân dân Việt Nam anh em, nhất là tới gia đình, thân quyến và bạn bè đồng chí Trần Đại Quang”.
Thủ tướng Căm-pu-chia Xăm-đéc Tê-chô Hun-xen cùng ngày đã gửi điện chia buồn tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi được biết tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.
Trong thư chia buồn, Thủ tướng Hun-xen nhấn mạnh: "Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một nhà lãnh đạo lớn và đáng ngưỡng mộ của đất nước và nhân dân Việt Nam, và là người bạn tốt của Căm-pu-chia. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Căm-pu-chia, Thủ tướng Hun-xen gửi lời chia buồn và sự tiếc thương sâu sắc nhất tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì sự mất mát to lớn này".
Cùng ngày, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời chia buồn tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong thư, ông Tập Cận Bình viết: "Chúng tôi rất sốc khi nghe tin đồng chí Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Việt Nam, đã qua đời. Đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, cũng như nhân danh cá nhân, tôi bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất tới ông, và tới Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Việt Nam thông qua ông. Chúng tôi thực sự đau buồn về sự ra đi của đồng chí Trần Đại Quang".
Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc cho biết đồng chí Trần Đại Quang - một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam - đã có đóng góp lớn cho sự phát triển, đổi mới và mở cửa của Việt Nam. Là một người bạn, người đồng chí thân thiết của nhân dân Trung Quốc, ông Trần Đại Quang đã cống hiến và thúc đẩy tình bằng hữu truyền thống Trung - Việt và tích cực thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước.
Ông Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng dưới sự lãnh đạo vững chắc của Tổng Bí thư, Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ chuyển đau thương thành sức mạnh và tiếp tục đạt thành quả mới trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Trung Quốc cũng bày tỏ chia buồn sâu sắc nhất tới gia quyến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Cục Báo chí Điện Crem-lin cùng ngày 21-9 ra thông báo cho biết Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin đã gửi điện chia buồn tới nhân dân Việt Nam, gia đình và bạn bè của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Tổng thống Pu-chin nêu rõ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang với tư cách là nguyên thủ quốc gia cũng như trải qua nhiều vị trí công tác khác luôn xứng đáng với lòng kính trọng của nhân dân và sự nể trọng của bạn bè quốc tế. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hoàn thành trọng trách tăng cường an ninh quốc gia, bảo vệ lợi ích của Việt Nam trên toàn cầu.
Tổng thống Pu-chin cũng ca ngợi đóng góp của cá nhân Chủ tịch nước Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện với Nga, cũng như hợp tác song phương cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng Nga Đơ-mi-tơ-ri Mét-vê-đép cùng ngày gửi lời chia buồn tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi hay tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời. Đại sứ Nga tại Hà Nội cũng gửi lời chia buồn tới Việt Nam. Trang Twitter của Đại sứ quán có đoạn: "Chúng tôi bày tỏ sự buồn thương sâu sắc nhất đối với sự qua đời của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, đồng chí Trần Đại Quang".
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, chiều 21-9 (giờ Niu-oóc), Đại hội đồng LHQ đã dành một phút mặc niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Phát biểu trước khi khai mạc phiên họp toàn thể thứ ba của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 73 trước sự có mặt của đại diện 193 quốc gia thành viên LHQ, Chủ tịch ĐHĐ - bà Ma-ri-a Phéc-năng-đa Ét-pi-nô-sa Ga-xéc đã thông báo về sự ra đi của Chủ tịch Trần Đại Quang, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình của Chủ tịch, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đề nghị đại diện các nước tham dự phiên họp dành một phút mặc niệm cho Chủ tịch Trần Đại Quang.
Sau phút mặc niệm, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Đặng Đình Quý đã phát biểu cảm ơn sự chia sẻ và cảm thông của bạn bè quốc tế đối với những đau thương và mất mát to lớn của nhân dân Việt Nam trước sự ra đi đột ngột của Chủ tịch Trần Đại Quang.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ An-tô-ni-ô Gu-tê-rét đã ra tuyên bố bày tỏ sự đau buồn đối với sự ra đi của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.
Tuyên bố của người phát ngôn LHQ ông Xtê-phan Đu-da-rích cho biết, Tổng thư ký bày tỏ sự cảm thông và gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình của Chủ tịch Trần Đại Quang, Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Tuyên bố có đoạn viết "là một người bạn của LHQ và là người đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam, Chủ tịch Trần Đại Quang sẽ luôn được tưởng nhớ ở cả trong và ngoài nước".
Nhận được tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần vào ngày 21-9, Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê cùng ngày đã gửi lời chia buồn tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong thư, Thủ tướng A-bê bày tỏ: "Tôi hết sức bàng hoàng và vô cùng thương tiếc khi nhận được tin Ngài Trần Đại Quang, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam vừa mới từ trần. Thay mặt cho Chính phủ và người dân Nhật Bản, tôi xin gửi tới Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, người dân Việt Nam và gia quyến Ngài Chủ tịch nước lời chia buồn sâu sắc nhất".
Thủ tướng A-bê cũng khẳng định: "Ngài Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đại diện cho đất nước Việt Nam tiếp đón nồng hậu Nhật hoàng và Hoàng hậu Nhật Bản nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam vào mùa xuân năm ngoái. Năm nay, Ngài Trần Đại Quang đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản từ cuối tháng 5 tới đầu tháng 6. Ngài đã cống hiến hết mình cho quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia".
Trong lời chia buồn, Thủ tướng A-bê cho biết: "Cá nhân tôi đã có vinh dự được gặp Ngài Chủ tịch nước Trần Đại Quang bốn lần, trong đó, tôi đặc biệt muốn bày tỏ lòng kính trọng trước việc Ngài Chủ tịch nước đã chủ trì thành công Hội nghị cấp cao APEC diễn ra vào tháng 11 năm 2017 tại Đà Nẵng, nhất là những đóng góp to lớn trong việc ký kết Hiệp định TPP 11 tại Hội nghị".
Thủ tướng Sin-dô A-bê bày tỏ: "Nhật Bản - với tư cách là đối tác chiến lược của Việt Nam, vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người mà với sự lãnh đạo sáng suốt của mình đã xây dựng nên quan hệ hợp tác gắn bó trên các lĩnh vực sâu rộng giữa hai đất nước, cầu mong Ngài yên giấc ngàn thu".
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Cô-nô Ta-rô cũng gửi lời chia buồn tới Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Bộ trưởng Cô-nô Ta-rô khẳng định: "Ngài Chủ tịch nước Trần Đại Quang là nguyên thủ quốc gia dẫn dắt Việt Nam không chỉ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội mà còn nâng cao vị thế quốc gia tại khu vực và trên trường quốc tế. Trong quan hệ với Nhật Bản, Ngài đã đón tiếp Nhật hoàng và Hoàng hậu sang thăm Việt Nam cũng như có chuyến thăm Nhật Bản cấp nhà nước trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 6 năm nay. Ngài đã cống hiến hết sức cho sự phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai quốc gia".
Bộ trưởng Ngoại giao Cô-nô Ta-rô bày tỏ hy vọng Chính phủ và người dân Việt Nam sẽ sớm vượt qua nỗi đau, đưa đất nước Việt Nam phát triển hơn nữa.
Theo phóng viên TTXVN tại I-ta-li-a, Đài Va-ti-căng ngày 22-9 đưa tin Giáo hoàng Phrăng-xít đã gửi điện chia buồn với Việt Nam về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.
Trong bức điện gửi Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Giáo hoàng đã bày tỏ sự đau buồn khi nghe tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, đồng thời gửi đến toàn thể nhân dân Việt Nam lời chia buồn sâu sắc. Giáo hoàng cũng khẩn cầu “phúc lành an ủi và bình an của Thiên Chúa” cho toàn thể mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là thân quyến của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Ngày 23-6-2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã từng đến thăm Giáo hoàng Phrăng-xít và sau đó đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Va-ti-căng, Hồng y Pi-e-trô Pa-rô-lin.
Chính phủ, các đảng chính trị Bra-xin đã gửi điện chia buồn tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam, bày tỏ thương tiếc Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Bộ Ngoại giao Bra-xin đã ra thông cáo báo chí, gửi lời chia buồn sâu sắc và tình đoàn kết tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng như gia đình Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Thông cáo có đoạn viết: "Là người đứng đầu Nhà nước từ năm 2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có một chặng đường đầy ý nghĩa trong lãnh đạo các công việc quốc gia và trong phát triển đất nước Việt Nam - một đối tác quan trọng của Bra-xin tại Đông Nam Á, cũng như trong bảo vệ chủ nghĩa đa phương, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và thúc đẩy đối thoại giữa các dân tộc".
Theo phóng viên TTXVN tại Băng-cốc, Văn phòng Thủ tướng Thái Lan ngày 22-9 đã ra công văn đề nghị các cơ quan, ban, ngành chính phủ trên toàn quốc treo cờ rủ trong 3 ngày để tưởng niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Nội dung công văn như sau: “Về việc Ngài Trần Đại Quang, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam từ trần ngày 21-9-2018 tại Bệnh viện Quân đội, Hà Nội, Việt Nam, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chính phủ treo cờ rủ từ thứ Hai (ngày 24-9) đến thứ Tư (ngày 26-9)”.
Cùng ngày, Tổng thống In-đô-nê-xi-a Giô-cô Uy-đô-đô đã gửi lời chia buồn tới Chính phủ, người dân Việt Nam và gia đình về sự ra đi của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.
Trong một tuyên bố đăng trên tài khoản Instagram ngày 22-9, Tổng thống In-đô-nê-xi-a nhấn mạnh: "Tôi rất buồn khi nghe tin này vì tôi mới gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào ngày 11-9-2018. Tôi rất ấn tượng với sự cống hiến của ông đối với đất nước và con người Việt Nam".
Theo phóng viên TTXVN tại Xơ-un, cũng trong ngày 22-9, Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê-in đã gửi điện chia buồn, bày tỏ sự thương tiếc trước việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.
Trong điện chia buồn, Tổng thống Mun Chê-in viết: "Nhận được tin một người bạn và là đồng hành của tôi, Ngài Chủ tịch nước Việt Nam từ trần, tôi không khỏi bàng hoàng và đau buồn. Chúng tôi đã gặp nhau lần đầu tại Đà Nẵng vào tháng 11 năm ngoái nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC và đã cùng nhau vun đắp tình hữu nghị. Tình hữu nghị của chúng tôi đã thêm gắn bó thông qua chuyến thăm cấp nhà nước của tôi tới Việt Nam vào tháng 3 vừa qua, góp phần mở rộng quan hệ giao lưu giữa hai nước trên nền tảng sự tin cậy. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ về lời nói của Ngài Chủ tịch nước Trần Đại Quang về việc cùng xây dựng một tương lai tươi sáng hơn, một tương lai mà người dân hai nước có thể thực sự cảm nhận được".
Tổng thống Mun Chê-in nhấn mạnh dù Chủ tịch Trần Đại Quang đã đi xa, nhưng ông sẽ tiếp tục nỗ lực để quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục phát triển, ngày càng sâu sắc và hướng tới tương lai. Nhân dân hai nước sẽ cùng tiếp tục nỗ lực để tạo nên một cộng đồng chung hòa bình và phồn vinh./.
Theo TTXVN