Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân, góp phần tăng diện bao phủ BHYT tại các địa phương.
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 3.110 giường bệnh; đạt bình quân 10,7 bác sĩ/vạn dân; tất cả số trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; toàn bộ số thôn, bản có cán bộ y tế, 97,8% số trạm y tế có bác sĩ. Tỉnh luôn quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ. Ngành Y tế nhận chuyển giao đề án bệnh viện vệ tinh từ tuyến Trung ương, thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên môn cao như phẫu thuật thần kinh sọ não, phẫu thuật mạch máu, phẫu thuật mắt - PHACO, can thiệp tim mạch, siêu lọc máu...; qua đó góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến. BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã ký hợp đồng khám chữa bệnh bằng BHYT với 31 cơ sở y tế trong tỉnh, gồm 23 cơ sở công lập và 8 cơ sở y tế tư nhân. Ngành BHXH tỉnh phối hợp ngành Y tế tổ chức giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT chặt chẽ; thực hiện giám định chuyên đề theo hướng dẫn, cảnh báo của Trung tâm Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, nhằm kịp thời chấn chỉnh tình trạng chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế chưa đúng quy định tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tính đến tháng 6-2018, toàn tỉnh có hơn 913 nghìn người tham gia BHYT, đạt 86,7% dân số.
Phú Yên: Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững
Phú Yên là một trong những địa phương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy quá trình CNH-HÐH nông nghiệp. Việc áp dụng cơ giới hóa được đẩy mạnh với hơn 4.600 thiết bị, máy móc được ứng dụng trong sản xuất.
Tính đến cuối năm 2017, việc phát triển thương hiệu hàng hóa nông nghiệp được chú trọng để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh, trong đó có các thương hiệu sản phẩm như nước mắm Phú Yên, cá ngừ đại dương Phú Yên, muối Tuyết Diêm, bánh tráng Hòa Ða...
Từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Phú Yên đặt ra mục tiêu tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại và bền vững. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân khoảng 3,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng gấp 3,5 lần và đến năm 2030 cơ bản không còn hộ nghèo. Ðể thực hiện những mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy Phú Yên đề ra các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu các ngành Nông nghiệp theo hướng công nghiệp, dịch vụ gắn với cơ chế thị trường; bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Theo dangcongsan.vn