Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Thái Bình đến năm 2020 như đề nghị của Bộ KH và ĐT, cụ thể: Bổ sung KCN phục vụ nông nghiệp với diện tích 200ha vào quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020 (không bao gồm phần diện tích 50ha dự kiến phát triển cảng sông nội địa).
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thái Bình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN theo đúng quy định của pháp luật; tiếp thu ý kiến của Bộ KH và ĐT và các bộ, ngành liên quan, tổ chức thực hiện quy hoạch đã được duyệt; chỉ đạo các cơ quan liên quan và chủ đầu tư xây dựng quy hoạch phân khu xây dựng, thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập KCN theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng thu hút đầu tư và trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các điều kiện và trình tự theo quy định hiện hành.
UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các cơ quan liên quan của tỉnh giám sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật về môi trường của chủ đầu tư, thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường trong KCN và các quy định của pháp luật khác có liên quan; xây dựng phương án bồi thường và hỗ trợ các hộ dân bị thu hồi đất để xây dựng KCN, đảm bảo phù hợp với khả năng thu hút đầu tư và trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các điều kiện và trình tự theo quy định.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng nhà ở công nhân và các công trình phúc lợi xã hội cho người lao động tại các KCN để đảm bảo điều kiện sống, làm việc của người lao động.
Bắc Giang: Gỡ khó trong triển khai dự án cho doanh nghiệp
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh cho biết, thời gian tới tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, triển khai các dự án đầu tư cho các doanh nghiệp.
Theo đó, tỉnh duy trì và đổi mới nội dung các hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp định kỳ hằng quý và các buổi cafe doanh nhân để nghe phản ánh và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp (tổ chức theo chuyên đề).
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo hỗ trợ đầu tư và phát triển doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Sở KH và ĐT tỉnh có giải pháp tạo thuận lợi trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp; rút ngắn thời gian cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp (không quá 3 ngày). Bên cạnh đó, tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt trên 80%.
Sở TN và MT cũng thực hiện rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến giao đất, cho thuê, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính về đất đai nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh. Cục Thuế tỉnh rà soát các quy trình thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp, có giải pháp rút ngắn thời gian cho mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra.
Từ đầu năm đến nay, Sở KH và ĐT Bắc Giang đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 769 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 6.146 tỷ đồng. Tính chung từ trước đến nay, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 7.859 doanh nghiệp; trong đó, có 351 doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký là 3,17 tỷ USD và vốn đăng ký của doanh nghiệp trong nước là 51.400 tỷ đồng./.
Theo chinhphu.vn