Sáng 6-8-2018, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em, giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Ðồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Vũ Ðức Ðam, Ủy viên BCH Trung ương Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các huyện, xã, thị trấn trong toàn quốc tại trên 600 điểm cầu với trên 18 nghìn đại biểu. Dự hội nghị tại điểm cầu Nam Ðịnh có đồng chí Trần Lê Ðoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở LÐ-TB và XH và một số ban, ngành liên quan của tỉnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN |
Hiện nay, cả nước có gần 26,3 triệu trẻ em. Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch nước luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác bảo vệ trẻ em. Việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ. Nhà nước đã cấp BHYT miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt khoảng 98,6%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân giảm xuống còn 12,4%; suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 24,2%. Năm học 2016-2017, tỷ lệ huy động trẻ đến nhà trẻ đạt 27,7%, mẫu giáo đạt 99,7%. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp đạt 87%. Có 78 điểm vui chơi cấp tỉnh dành cho trẻ em, 465 điểm cấp huyện và 3.592 điểm cấp xã. Tuy nhiên, công tác bảo vệ trẻ em còn nhiều mặt hạn chế như: tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn ở mức cao (khoảng 24%). Năm 2017, có trên 1.800 trẻ em tử vong do đuối nước, gần 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông. Tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Tính chất các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Nạn nhân bị bạo lực, xâm hại xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có cả trẻ em tuổi mầm non. Công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Còn nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm.
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã phát biểu ý kiến về những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất những giải pháp tháo gỡ trong công tác bảo vệ trẻ em, nhất là giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương góp phần đạt được những kết quả quan trọng trong công tác bảo vệ trẻ em. Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (năm 1990). Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được quy định trong văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước. Ðiều 37 Hiến pháp quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho các em là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài. “Trẻ em là những thông điệp sống mà chúng ta gửi gắm vào tương lai”, đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, của mỗi cộng đồng dân cư và mỗi gia đình. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát các quy định bảo đảm phù hợp với Luật về trẻ em, tiếp tục hoàn thiện theo hướng: Việc xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em phải nhanh chóng, thuận lợi, thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em; cụ thể, rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chính quyền. Bộ GD và ÐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có chương trình đào tạo, giáo dục kỹ năng tự bảo vệ mình cho các cháu, tùy theo lứa tuổi, giới tính. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ trẻ em. Ủy ban quốc gia về trẻ em định kỳ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá tại các bộ, ngành, địa phương về thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và gia đình cùng các cấp chính quyền phải tạo lập cuộc sống an toàn, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần cho trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em. Các địa phương tăng cường chỉ đạo các ngành, đoàn thể thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ trẻ em, từ công tác truyền thông nâng cao nhận thức của mỗi người dân về công tác bảo vệ trẻ em; xây dựng, nhân rộng các mô hình bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em hiệu quả, phổ biến kiến thức cho cộng đồng, nhất là trẻ em về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia công tác bảo vệ trẻ em. Các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trẻ em, đảm bảo 25 quyền của trẻ em được bảo vệ. Các địa phương chú trọng công tác tập huấn cho đội ngũ làm công tác bảo vệ trẻ em, nhất là cán bộ cơ sở, tạo cuộc sống an toàn cho trẻ em./.
Minh Tân