Sáng 13-8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” đã khai mạc tại Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; nhiều đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, các đại biểu là Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cán bộ chủ chốt các đơn vị của Bộ Ngoại giao, cán bộ làm công tác ngoại vụ tại các địa phương đã tham dự Hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 diễn ra vào thời điểm rất quan trọng. Đây là dịp kiểm điểm giữa kỳ việc triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, bám sát đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, ngành Ngoại giao đã kiên trì về nguyên tắc; kiên định về mục tiêu; chủ động, linh hoạt trong triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với mục tiêu bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, chúng ta đã tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng yếu về đối ngoại mà Đại hội Đảng XII đề ra, đặc biệt là hai nhóm nhiệm vụ lớn mà Tổng Bí thư đã chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao 29, đó là tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước và góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, những thành tựu đối ngoại đạt được trong thời gian qua, trước hết là do chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng về đối ngoại, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả của các ban, bộ, ngành, địa phương, sự quan tâm và đồng hành của người dân và doanh nghiệp đã tạo thành sức mạnh tổng hợp làm nên những thành tựu quan trọng trên mặt trận đối ngoại.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng và cảm ơn những đóng góp to lớn, rất có ý nghĩa của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nói chung, của ngành Ngoại giao nói riêng.
Tổng Bí thư chỉ rõ: Với sự cố gắng nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, công tác đối ngoại của chúng ta trong gần 3 năm qua, đặc biệt là trong năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước, đóng góp rất quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại.
Từ năm 2016 đến nay, tăng trưởng kinh tế luôn đạt cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2011-2015; các chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực, nhất là đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2017 đạt 35,88 tỉ USD, tăng 44,4% (cao nhất trong 10 năm qua), trong đó vốn giải ngân đạt 17,5 tỉ USD, tăng 10,8% so với năm 2016. Các đối tác đã cam kết viện trợ hơn 3 tỉ USD ODA cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt mức kỷ lục 13 triệu lượt người.
Đến nay, đã có tổng cộng 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 10 hiệp định có hiệu lực. Công tác đối ngoại tiếp tục góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đưa quan hệ của Việt Nam với các nước, nhất là các đối tác ưu tiên, quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 quốc gia, đối tác toàn diện với 11 quốc gia và quan hệ chiến lược đặc biệt với Lào, Căm-pu-chia; đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên mọi mặt, tiếp tục phát huy vai trò tích cực tại các thể chế khu vực và toàn cầu…
Những kết quả nêu trên đã khẳng định tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại của Đại hội XII và các chủ trương liên quan đến công tác đối ngoại của Đảng ta. Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc; “kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược”, bám sát yêu cầu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, kết hợp với yêu cầu bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước.
Tổng Bí thư yêu cầu, tiếp tục quán triệt thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tượng, đối tác; tăng cường hợp tác tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa Việt Nam với các nước, ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, bị cô lập, phụ thuộc. Mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và các lợi ích chính đáng của Việt Nam theo luật pháp quốc tế. Một trong những yêu cầu then chốt là phải luôn kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt xử lý đúng đắn mọi vấn đề phức tạp trong đối ngoại, trong đó có vấn đề chủ quyền, lãnh thổ. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành Ngoại giao là những người đi đầu.
Tổng Bí thư lưu ý, cần phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về nâng tầm công tác đối ngoại đa phương, coi đó là một định hướng chiến lược quan trọng, trong đó có việc xây dựng Chiến lược tổng thể về đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Theo đó, công việc trọng tâm thời gian tới là triển khai và phát huy các kết quả quan trọng của Năm APEC Việt Nam 2017, nhất là phối hợp với các đối tác thực hiện các sáng kiến của Việt Nam đã được APEC thông qua; cần thể hiện vai trò xứng đáng trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc an ninh khu vực, chuẩn bị các điều kiện để hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Tiếp tục tham gia tích cực trong khuôn khổ hoạt động của Liên hợp quốc, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đẩy mạnh vận động các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và hoàn thành tốt trọng trách này./.
Theo TTXVN