UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; các mặt hàng sữa; các mặt hàng dược phẩm thiết yếu năm 2018 - Tết Kỷ Hợi 2019 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, năm nay thành phố vẫn tiếp tục thực hiện song song 4 chương trình bình ổn như: các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng sữa, các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2018-2019 và các mặt hàng dược phẩm thiết yếu. Chương trình bình ổn thị trường năm 2018 - Tết Kỷ Hợi 2019 trên địa bàn triển khai để đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội; đồng thời gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Các mặt hàng lương thực, thực phẩm tiếp tục được bình ổn giá để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Ảnh: CTV |
Đối với mặt hàng thực phẩm, lương thực thiết yếu, gồm 10 nhóm mặt hàng: lương thực (gạo, mì gói, bún khô…); đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; gia vị. Về lượng hàng, các tháng thường, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25-30% nhu cầu thị trường; các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 30-40% nhu cầu thị trường.
Đối với mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, gồm 4 nhóm hàng chính như: tập vở; cặp, ba lô, túi xách; đồng phục học sinh; giày. Lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35-50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố. Dự tính năm học 2018- 2019, chương trình bình ổn cung cấp 9,68 triệu quyển tập học sinh; 570 nghìn bộ đồng phục học sinh; 920 nghìn đôi giày dép... Đối với mặt hàng sữa, gồm 4 nhóm sản phẩm: sữa bột dành cho trẻ em, sữa bột dành cho bà mẹ mang thai, sữa bột chức năng (dành cho người cao tuổi, người bệnh, người gầy, giảm cân và bệnh tiểu đường), sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất (gồm sữa nước, sữa chua uống và ca cao). Lượng sữa tham gia bình ổn thị trường là 1.940,5 tấn/năm (161,70 tấn/tháng) và 12,5 triệu lít sữa nước/năm (1,43 triệu lít/tháng), chiếm từ 30-35% mức tiêu dùng của thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.
Thời gian thực hiện chương trình bình ổn các mặt hàng trên là 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1-4-2018 đến hết ngày 31-3-2019. Thời gian cao điểm cung ứng các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng là từ ngày 1-5 đến 31-10-2018.
Hà Nội: Kiểm tra hơn 10 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm thu hơn 2.000 sản phẩm không rõ nguồn gốc
Thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT - Bộ Công thương về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, sáng 6-7 tổ công tác 334 phối hợp với Chi cục QLTT Hà Nội đồng loạt kiểm tra 10 địa điểm bán mỹ phẩm trên địa bàn Hà Nội.
Theo đó, lực lượng QLTT đã đồng loạt kiểm tra tại số 70 Thái Hà, 53 Hoàng Cầu, 26 Hàng Đường thuộc Cty TNHH Việt Hà Phát, 36 Giang Văn Minh, Cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm - Biển hiệu “Skin House” số 19 Nguyễn Phong Sắc, 22 Chùa Bộc, cơ sở kinh doanh mỹ phẩm Skin House tại số 56 Trần Đại Nghĩa...
Theo kết quả sơ bộ, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 10 cơ sở, tạm giữ 2.028 sản phẩm mỹ phẩm các loại đều do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 149 triệu đồng.
Hiện các đơn vị QLTT đang tạm giữ toàn bộ số hàng và lập biên bản xử lý theo quy định./.
Theo dangcongsan.vn