Tỉnh Quảng Bình vừa phê duyệt 48 dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018-2020 với tổng số tiền đầu tư dự kiến lên đến hơn 50 nghìn tỷ đồng, diện tích đất phục vụ cho các dự án trên 8.000ha…
Trong các dự án, về lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, tỉnh ưu tiên kêu gọi 6 dự án khu nghỉ dưỡng ven biển, 8 dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái, 3 dự án trung tâm thương mại, với tổng số tiền mời gọi đầu tư hơn 37 nghìn tỷ đồng, diện tích đất phục vụ dự án hơn 1.500ha. Đây được xem là các dự án có giá trị cao trong việc tạo công ăn việc làm, góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy sự phát triển du lịch tại tỉnh Quảng Bình trong tương lai.
Trong công nghiệp, tỉnh mời gọi đầu tư 5 dự án: Phát triển điện gió Quảng Bình; phát triển điện mặt trời Quảng Bình; nhà máy sản xuất, lắp rắp đồ điện dân dụng, điện tử, viễn thông và công nghiệp; nhà máy sản xuất thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện năng và nhà máy sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô… với tổng số vốn đầu tư dự kiến lên đến hơn 8.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình cũng phê duyệt mời gọi đầu tư 8 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 3 dự án lĩnh vực y tế, đào tạo; 8 dự án hạ tầng khu dân cư, đô thị và 5 dự án hạ tầng khu công nghiệp. Các dự án này được đánh giá đầy tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh.
Cùng với việc phê duyệt dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018-2020, Quảng Bình cũng tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng, các địa phương trong tỉnh gấp rút xây dựng nội dung thông tin dự án. Đồng thời, tổ chức hoạt động tuyên truyền quảng bá để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tham gia thực hiện. Tỉnh cam kết sẽ hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư khi đến với tỉnh.
Hà Nội: Thời gian cấp “sổ đỏ” chỉ còn 20 ngày
Để triển khai tốt Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai giảm tối đa thời gian thực hiện, nhưng vẫn bảo đảm và không ngừng nâng cao chất lượng công tác cấp phép trên địa bàn.
Đối với các đơn vị thực hiện thủ tục kết nối cấp điện, cấp nước, thoát nước, đề nghị Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố, Tổng Cty Điện lực Hà Nội khẩn trương nghiên cứu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục.
Cụ thể, thời gian thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy giảm từ 30 ngày xuống còn tối đa 20 ngày. Thời gian góp ý đối với đồ án thiết kế quy hoạch, thiết kế xây dựng giảm từ 10 ngày xuống còn 5 ngày. Thời gian kết nối cấp điện giảm từ 14 ngày xuống còn tối đa không quá 7 ngày.
Cty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội và các Cty kinh doanh nước sạch cũng phải nhanh chóng nghiên cứu, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đấu nối cấp và thoát nước từ 14 ngày xuống còn tối đa không quá 7 ngày.
UBND thành phố giao Sở Xây dựng Hà Nội là cơ quan đầu mối tổng hợp kết quả thực hiện của các sở, ngành và đơn vị về Chỉ thị nêu trên. Dự thảo báo cáo của UBND thành phố báo cáo kết quả triển khai chỉ thị định kỳ trước ngày 15 của tháng cuối quý và trước ngày 15-12, gửi Bộ Xây dựng để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Đồng thời, rà soát, thống nhất đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, đảm bảo rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ 166 ngày xuống còn tối đa không quá 120 ngày theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo UBND thành phố trước ngày 20-6.
Ngoài ra, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất liên thông một số thủ tục hành chính và xây dựng cơ chế liên thông nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, nâng cao chất lượng cấp phép xây dựng. Cùng đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích.
UBND Thành phố Hà Nội cũng giao Sở TN và MT khẩn trương nghiên cứu, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất từ 30 ngày xuống còn tối đa 20 ngày./.
Theo chinhphu.vn