Lạng Sơn: 6 tháng đầu năm, thu nội địa trên 1,2 nghìn tỷ đồng

08:06, 27/06/2018

Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn vừa tổ chức hội nghị phổ biến chính sách thuế, phí mới và đối thoại với các đơn vị hành chính sự nghiệp do Cục Thuế tỉnh quản lý năm 2018.

Thông tin tại hội nghị cho biết, với phương châm “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới”, qua báo cáo chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh Lạng Sơn năm 2017, Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn được xếp hạng là đơn vị đứng đầu trong số 15 sở, ngành của tỉnh Lạng Sơn về chỉ số khảo sát sự hài lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong năm 2017, tổng thu trên địa bàn tỉnh đạt gần 2,4 nghìn tỷ đồng, đạt 140% dự toán Pháp lệnh và gần 124% dự toán UBND tỉnh giao, bằng gần 130% so cùng kỳ; thu nội địa được trên 1,3 nghìn tỷ đồng (trừ tiền sử dụng đất, phí 53, xổ số kiến thiết), đạt gần 119% so với năm 2016.

Hội nghị phổ biến chính sách thuế, phí mới và đối thoại với các đơn vị hành chính sự nghiệp tại Lạng Sơn.
Hội nghị phổ biến chính sách thuế, phí mới và đối thoại với các đơn vị hành chính sự nghiệp tại Lạng Sơn.

Phát huy kết quả đó, năm 2018, với chủ đề “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phục  vụ người dân và doanh nghiệp”, ngành Thuế tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế, tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế, cũng như giúp cho doanh nghiệp nắm rõ chủ trương, chính sách để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đúng, đủ quy định của pháp luật. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn ngành Thuế tỉnh Lạng Sơn đã thu nội địa đạt trên 1,2 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 56% dự toán do UBND tỉnh giao, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2017.

Bắc Giang: Đã tiêu thụ trên 176 nghìn tấn vải thiều

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, tính đến ngày 25-6, tổng sản lượng vải thiều được tiêu thụ trên địa bàn các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Lạng Giang, Yên Thế, Sơn Động thuộc tỉnh ước đạt 176.048 tấn, tổng doanh thu ước đạt 4.968,6 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu từ vải thiều ước đạt 2.981,2 tỷ đồng và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 1.987,4 tỷ đồng. Riêng tại huyện Lục Ngạn, tổng sản lượng vải tiêu thụ ước đạt 106.088 tấn, doanh thu từ vải đạt 2.121.760 triệu đồng. Giá vải thiều tại huyện Lục Ngạn ngày 25-6 vẫn giữ được ở mức bình quân dao động từ 5-25 nghìn đồng/kg.

Bên cạnh đó, tính đến ngày 25-6, vải thiều đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với sản lượng ước đạt 67.500 tấn, doanh thu ước đạt 118,5 triệu USD.

Hiện tại, có trên 170 thương nhân Trung Quốc và khoảng trên 1.000 thương nhân Việt Nam đến thu mua vải thiều, trong đó tập trung chủ yếu trên địa bàn của huyện Lục Ngạn. Các huyện Tân Yên, Yên Thế, Lạng Giang cơ bản đã hết vải.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có khoảng trên 700 điểm cân lớn nhỏ. Riêng tại huyện Lục Ngạn chỉ còn trên 400 điểm cân.

Đến nay, vải thiều đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng thời, với thị trường nước ngoài, vải thiều được xuất bán tại một số nước như EU, Nga, Trung Quốc, Xinh-ga-po, Thái Lan, Úc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trà Vinh: Hàng chục nghìn người dự lễ hội Nghinh Ông

Trong 3 ngày từ ngày 23 đến ngày 25-6, lễ hội Nghinh Ông “Cúng biển” lần thứ 99-2018 diễn ra tại Thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang cho biết: Nhằm nâng tầm lễ hội Nghinh Ông lên cấp tỉnh (tròn 100 năm vào năm 2019), năm 2018 huyện Cầu Ngang đầu tư kinh phí hơn 1 tỷ đồng xây dựng các thiết chế văn hóa như: xây dựng văn hóa thị trấn, công viên cây xanh, nâng cấp Thị trấn Mỹ Long… Đặc biệt, năm 2018 tỉnh Trà Vinh chọn làm năm du lịch, trong đó giải pháp nâng tầm lễ hội Cúng biển Mỹ Long lên quy mô cấp tỉnh và tương lai cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội Nghinh Ông, tại thị trấn biển Mỹ Long, có hơn 30 nghìn du khách từ các nơi về tham dự. Đây là năm lễ hội có lượng du khách tham quan cao nhất từ trước đến nay.

Lễ hội nhằm thể hiện lòng thành của ngư dân Mỹ Long nói riêng, ngư dân hành nghề khai thác biển trong vùng nói chung, nhằm tạ ơn biển cả, cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, đem lại cuộc sống ấm no cho ngư dân làng nghề. Lễ hội còn nhằm bảo tồn và tạo nên những giá trị tốt đẹp bản sắc văn hóa dân tộc./.

Theo dangcongsan.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com