Ngày 10-6 tại Quảng trường Thanh Bình, Thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà (Hải Dương) sẽ diễn ra Lễ hội vải thiều Thanh Hà - Hải Dương năm 2018. Đây là lễ hội cấp tỉnh lần đầu tiên được tổ chức với sự tham dự của khoảng 600 khách mời.
Đông đảo du khách tham quan cây vải tổ 200 tuổi tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương |
Lễ hội được tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải thiều, các mặt hàng nông sản chủ lực và các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hải Dương đến với khách hàng trong và ngoài nước. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu vải thiều Thanh Hà nói riêng, vải thiều Hải Dương nói chung. Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh vải thiều, hàng nông sản, thực phẩm và các sản phẩm du lịch của tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá chất lượng và thương hiệu, qua đó kích cầu tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu tại các tỉnh, thành phố trong nước; các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng nông sản có cơ hội tiếp xúc với các hộ nông dân, các đầu mối thu mua vải thiều tại Hải Dương; thúc đẩy giao lưu, mở rộng hợp tác tiêu thụ vải thiều và nông sản của tỉnh nhằm nâng cao giá trị, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.
Kiên Giang: Phát triển nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp
Theo chương trình, mục tiêu đến năm 2020, diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp của tỉnh Kiên Giang đạt 5.000ha; trong đó, vùng Tứ giác Long Xuyên 4.700ha và U Minh Thượng 300ha; sản lượng đạt 41.330 tấn tôm.
Năm 2017, diện tích nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp của tỉnh là 2.152ha, đạt 43% mục tiêu, chương trình đề ra, sản lượng thu hoạch 15.161 tấn. Trong 5 tháng đầu năm nay, diện tích nuôi đạt 1.760ha, sản lượng thu hoạch hơn 12.320 tấn. Nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp ở Kiên Giang đang chuyển biến tích cực, hiệu quả. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình nuôi mới như: lót bạt đáy, hai giai đoạn, biofloc,… có tính ổn định, ít rủi ro đang ngày càng phổ biến, nhân rộng đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất tôm nuôi công nghiệp.
Tỉnh Kiên Giang huy động nguồn vốn hơn 1.280 tỷ đồng triển khai thực hiện các đề án, dự án, đề tài hỗ trợ chương trình, mục tiêu phát triển nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng.
Hiện nay, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình nuôi mới trong nuôi tôm công nghiệp được nông dân rất quan tâm và toàn tỉnh có khoảng 200ha nuôi tôm theo quy trình này. Theo quy trình mới, tôm được thả nuôi mật độ cao, năng suất 30-40 tấn/ha, tiết kiệm nước, kiểm soát khá tốt các rủi ro dịch bệnh, biến động môi trường… Tuy nhiên, chi phí đầu tư khá lớn nên nông dân chưa mạnh dạn đầu tư nuôi tôm theo quy trình này.
Cà Mau: Nghề khai thác biển đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế
Theo UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua, nghề khai thác biển đã có những đóng góp tích cực trong sự phát triển kinh tế của tỉnh này với sản lượng xuất khẩu ngày một tăng. Cùng với đó, đời sống ngư dân ngày càng được cải thiện.
Theo đó, sản lượng khai thác biển hằng năm của tỉnh Cà Mau đã không ngừng tăng lên, chỉ riêng năm 2017 đạt trên 200 nghìn tấn, đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu thuỷ, hải sản của tỉnh. Cụ thể, trong năm 2017 kim ngạch xuất khẩu thủy, hải sản của Cà Mau đã đạt 1,1 tỷ USD, tăng 12% so năm 2016. Những tháng đầu năm 2018, sản lượng khai thác của địa phương này cũng đã đạt trên 71 nghìn tấn…
Được biết, vùng biển Cà Mau rộng trên 71 nghìn km2; trữ lượng khí tự nhiên lớn đang khai thác, nguồn hải sản phong phú, là ngư trường thuận lợi cho ngư dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Nam Trung Bộ. Ngành khai thác thuỷ sản thời gian qua đã góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển và hải đảo./.
Theo chinhphu.vn