UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND triển khai phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại trên địa bàn thành phố đến năm 2025, mục tiêu: Tốc độ tăng giá trị gia tăng của ngành Thương mại trong giai đoạn này bình quân đạt 13%/năm; tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành Thương mại trong GRDP hằng năm của thành phố đạt từ 17-19%; tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ qua mạng lưới thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại đạt từ 18-20%/năm; tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại chiếm từ 50-55% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội.
Thành phố phấn đấu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thực hiện phát triển mạng lưới cơ sở bán buôn bán lẻ gồm: 52 trung tâm mua sắm (trong đó có 9 trung tâm cấp vùng, 10 trung tâm quy mô lớn (hạng 1), 7 trung tâm quy mô vừa (hạng 2), 16 trung tâm quy mô nhỏ (hạng 3), 10 khu thương mại, dịch vụ tổng hợp); 23 đại siêu thị; 111 siêu thị hạng 2; 865 siêu thị hạng 3; 595 chợ... Đến năm 2025, thành phố đưa vào khai thác một số cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics như 2 trung tâm logistics, 2 cảng cạn ICD, 1 cảng thủy container quốc tế...
Đắk Lắk: Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai
Tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định 1141/QĐ-UBND về việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư giai đoạn 2018-2020.
Mục tiêu chung của Chương trình nhằm hỗ trợ ngành trồng trọt và chăn nuôi thực hiện tái cơ cấu theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững, góp phần đạt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm của ngành trồng trọt từ 2,5-3%, chăn nuôi từ 4-5%, chủ động phòng chống giảm nhẹ thiên tai và ổn định đời sống dân cư nông thôn.
Về việc phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bố trí dân cư: Tỉnh Đắk Lắk chủ động phòng chống và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, sửa chữa nâng cấp đảm bảo an toàn các hồ chứa vừa và nhỏ, đảm bảo nước sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân, ổn định đời sống người dân vùng bị thiên tai. Trong năm 2018-2020, tỉnh tập trung đầu tư giải quyết dứt điểm các dự án đang triển khai, ưu tiên các dự án đã gần hoàn thành để ổn định cho 4.111 hộ và 20.102 nhân khẩu dân cư tự do đã nằm trong vùng quy hoạch 17 dự án.
Sóc Trăng: Kêu gọi đầu tư 47 dự án với tổng vốn hơn 122 nghìn tỷ đồng
Ban tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2018 và lễ phát động khởi nghiệp vừa tổ chức họp báo cung cấp thông tin về sự kiện quan trọng này.
Ông Phạm Tiến Hải, Phó Giám đốc Sở KH và ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong 2 ngày 18 và 19-6, hội nghị sẽ chính thức được diễn ra. Đến nay, đã có 47 dự án kêu gọi đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng 122.880 tỷ đồng được tỉnh lập danh sách trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư và bản ghi nhớ hợp tác... Các dự án kêu gọi đầu tư chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghệ cao và thủy sản... Ngoài ra, hội nghị còn có các hoạt động như: khánh thành Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, trao hỗ trợ cho các doanh nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp...
Theo chinhphu.vn