UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2975/QĐ-UBND, phê duyệt danh sách và kinh phí tinh giản biên chế của Thành phố Hà Nội đợt 2 năm 2018.
Theo đó, UBND thành phố phê duyệt danh sách và kinh phí để chi trả cho 23 công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17-11-2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp; cán bộ, công chức cấp xã được nghỉ tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, với tổng kinh phí 2,032 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn kinh phí cải cách tiền lương năm 2018 của ngân sách cấp thành phố hơn 1,378 tỷ đồng; nguồn thu, dự toán ngân sách giao tại Quyết định số 8586/QĐ-UBND ngày 8-12-2017 của UBND thành phố và các nguồn hợp pháp khác của đơn vị là hơn 653 triệu đồng.
Thừa Thiên - Huế: Hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản vùng biển xa
Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản, đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương của các xã vùng biển cho ngư dân vay vốn đóng mới và nâng cấp 40 tàu. Tổng dư nợ cho vay đến thời điểm hiện tại gần 182 tỷ đồng (trong đó, cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá 177,49 tỷ đồng, cho vay vốn lưu động 4,35 tỷ đồng).
Theo đánh giá chung, ngư dân dễ dàng tiếp cận vốn vay theo Nghị định 67. Các địa phương trong tỉnh và ngành ngân hàng có sự phối hợp chặt chẽ, đơn giản hóa các thủ tục, đồng thời tích cực hướng dẫn ngư dân điều kiện vay vốn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá xa bờ, tạo điều kiện để ngư dân tiếp cận nguồn vốn, vươn khơi bám biển... Như vậy, từ sau khi Nghị định 67 có hiệu lực, Thừa Thiên - Huế đã hoàn thành chỉ tiêu đóng mới 45 tàu cá do Trung ương phân bổ.
Năm 2017, sản lượng khai thác thủy hải sản của tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt 35.454 tấn; trong đó, sản lượng khai thác biển tăng gần 22% so với cùng kỳ. Năm 2018, tỉnh phấn đấu tổng sản lượng thủy hải sản toàn tỉnh đạt 42 nghìn tấn, tăng 6.000 tấn so với năm trước.
Tây Ninh: Bố trí Bí thư, Chủ tịch huyện không phải là người địa phương
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh vừa ban hành kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến 2025.
Theo đó, các chức danh chủ chốt cấp huyện và tương đương là Bí thư Huyện ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND huyện, thành phố; Trưởng các sở, ban, ngành và tương đương không phải là người địa phương, không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đối tượng được luân chuyển là cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi), đã được đào tạo cơ bản, có triển vọng phát triển; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác tốt và trong quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, nhiệm kỳ 2020-2025.
Việc luân chuyển cán bộ đợt này nhằm bảo đảm 100% cán bộ chủ chốt cấp trên của nhiệm kỳ tới đều có kinh nghiệm chỉ đạo, quản lý điều hành ở địa phương cấp dưới ít nhất 3 năm.
Cán bộ đã giữ chức vụ cấp trưởng 2 nhiệm kỳ liên tục và những cán bộ luân chuyển để thực hiện chủ trương không phải là người địa phương, khi luân chuyển chủ yếu bố trí làm cấp trưởng. Cán bộ trẻ được luân chuyển để đào tạo, rèn luyện chủ yếu được bố trí làm cấp phó. Phạm vi luân chuyển từ tỉnh về huyện, thành phố và ngược lại; từ huyện này sang huyện khác; luân chuyển giữa các cơ quan, đơn vị khối Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị, xã hội tỉnh./.
Theo chinhphu.vn