Hôm qua, ngày 22-5-2018, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017) và quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016.
Tại phiên thảo luận tổ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng) đã chia sẻ một số vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2017 cũng như những việc cần tập trung triển khai trong năm 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đất nước ta đang chuyển mình, niềm tin của người dân, của toàn hệ thống chính trị, trong Đảng được nhân lên rất nhiều, đó là nguồn lực mạnh mẽ để chúng ta xây dựng đất nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại thảo luận tổ. |
Thủ tướng Chính phủ cho rằng việc đánh giá toàn diện, phản ánh rõ tình hình của đất nước đã được Tổng Bí thư nêu trong phát biểu ở hội nghị Chính phủ cuối năm 2017 và kết luận tại Hội nghị Trung ương 7 vừa qua. Đặc biệt, phiên họp thứ 4 của Quốc hội (tháng 10-2017) cũng đã kết luận “kinh tế - xã hội phát triển, đối ngoại, quốc phòng, an ninh được giữ gìn, uy tín quốc tế của chúng ta được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được triển khai mạnh mẽ, mang lại niềm tin cho nhân dân, nhất là về kinh tế - xã hội”.
“Có thể nói, hệ thống của chúng ta, trên dưới một lòng, đoàn kết thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Sức mạnh dân tộc được thể hiện rõ nét thông qua những sự kiện lớn của đất nước… Chúng ta đã chuyển từ thế bị động sang chủ động tốt hơn rất nhiều”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng lấy ví dụ về nợ công, theo báo cáo đánh giá trình Quốc hội, nợ công đến cuối nhiệm kỳ XIII ở mức 64,8-65%/GDP. Hiện nay, do quy mô nền kinh tế tăng lên nên nợ công còn trên 61%, bảo đảm nền kinh tế an toàn do GDP đạt trên 5 triệu tỷ đồng. Dự kiến quy mô GDP sẽ đạt trên 7 triệu tỷ đồng, với tăng trưởng 6,7% và hơn thế nữa thì tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều. Quy mô nền kinh tế của chúng ta từ vị trí 48 của thế giới thì nay đã đứng ở vị trí 40.
Đề cập vấn đề dự trữ quốc gia, vấn đề năng lượng, Thủ tướng nhấn mạnh, đến nay, vào mùa hè chúng ta không còn lo lắng vì thiếu điện, dầu khí của chúng ta cũng tăng ở mức tốt. Còn ngoại hối, cuối nhiệm kỳ, chúng ta chỉ có khoảng 28 tỷ USD dự trữ, đây cũng là mức cao, nhưng hai năm rưỡi vừa qua, dự trữ ngoại hối đã tăng lên gần 64 tỷ USD, tỷ giá ổn định hơn và lạm phát được giữ vững.
Bày tỏ vui mừng khi các tỉnh đều có chuyển biến, góp phần vào sự thay đổi lớn của đất nước, Thủ tướng cung cấp tin vui khi chỉ số cạnh tranh quốc gia, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc trong thời gian qua, từ trung bình lên tích cực.
Thủ tướng lấy ví dụ, Việt Nam là nước ở xa nhóm các nước G20, nhưng vừa qua Việt Nam đã được mời dự cuộc họp của nhóm G7, đây là một thắng lợi của Việt Nam.
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta phải quan tâm đến các vấn đề xã hội, các tầng lớp kinh doanh hơn nữa, nhất là khu vực nông thôn. 42% lao động sống ở nông thôn nhưng giá trị trong nông nghiệp nông thôn đóng góp cho GDP chỉ 18%. Do vậy, chúng ta phải đặt câu hỏi vì sao năng suất chúng ta thấp. Do vậy, cần phải quan tâm nhiều hơn nữa tới nông nghiệp, nông thôn”.
Thủ tướng cũng nêu rõ cần thấy được những hạn chế, bất cập còn tồn tại mà Quốc hội đã góp ý. Chính phủ lắng nghe và khắc phục, xây dựng thể chế, luật pháp để tiếp tục chỉ đạo, điều hành công cuộc phát triển đất nước trên đà thành công bước đầu của nhiệm kỳ này.
Đề cập đến mạng xã hội hiện nay, Thủ tướng cho biết đây là vấn đề rất lớn ảnh hưởng tới lớp trẻ nên phải có giải pháp, không được để mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước.
Thủ tướng cũng nêu rõ Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp để các bộ phận công tác, nhất là những bộ phận phục vụ trực tiếp nhân dân, những người liên quan đến doanh nghiệp phải chuyển biến mạnh hơn trong việc phục vụ nhân dân, cùng với những cải cách kinh tế, hành chính khác mà chúng ta phải tiến hành.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh) cho rằng Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2018 của Uỷ ban Kinh tế trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 (ngày 21-5) chưa nhìn nhận đúng và khách quan về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Phó Thủ tướng, trong Báo cáo thẩm tra bổ sung, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá cụ thể hơn vấn đề: “Qua số liệu báo cáo của Chính phủ đã thể hiện các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững; quy mô GDP còn thấp so với dự kiến xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-2020, mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét, động lực tăng trưởng chính chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; công nghiệp chế biến có nhiều đóng góp nhưng mới chỉ dừng lại ở khâu gia công, chưa phải là công nghệ cao, tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề: “Ta nói động lực tăng trưởng phụ thuộc dầu thô, than đá thì có đúng không khi mà mấy năm nay, từ năm 2016, công nghiệp khai thác than đá và dầu thô đều tăng trưởng âm hết”.
Trong khi đó, cả 3 khu vực công nghiệp (đặt biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo), nông nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng mạnh. Khu vực dịch vụ có bước phát triển vượt bậc, đạt 7,44%, mức cao nhất kể từ năm 2008 tới nay, trong đó tiêu dùng trong nước lần đầu tiên tăng trên 2 con số đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Trung ương Đảng đã có kết luận về tình hình kinh tế - xã hội rồi, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về kinh tế - xã hội, các tổ chức quốc tế cũng tiến hành nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam. Và nay, các cơ quan cần phải bổ sung thêm các dữ liệu, phân tích kỹ các nguyên nhân, hạn chế để đạt được mục tiêu của năm 2018.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng dẫn lại phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 7 vừa qua khi đánh giá về kinh tế - xã hội: “Năm 2017 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng đất nước ta đã đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Về kinh tế - xã hội, sau nhiều năm chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra, là mức cao nhất so với nhiều nước trong khu vực và toàn thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, bội chi ngân sách mức thấp khoảng 3,5% so với GDP, thị trường tiền tệ ổn định, dự trữ ngoại hối đạt 61,5 tỷ USD, thị trường chứng khoán khởi sắc... Sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi, phát triển toàn diện trên 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ”.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng Uỷ ban Kinh tế đánh giá tình trạng ngân sách Trung ương hụt thu thì cần phân tích tại sao ngân sách Trung ương hụt và thu ngân sách địa phương tăng. “Phải chăng là từ khâu làm dự toán không sát. Đây là trách nhiệm đầu tiên của Bộ Tài chính và Chính phủ nhưng cơ quan thẩm tra thì có trách nhiệm không? Đương nhiên khâu dự toán này thì các ủy ban thẩm tra và Quốc hội quyết định...”.
Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm: “Nhưng không phải ngân sách địa phương tăng thu cả đâu vì cơ cấu thu nội địa của một số tỉnh có thay đổi. Vừa qua, Trung ương phải bù cho các địa phương vài chục nghìn tỷ đồng. Để khắc phục, Chính phủ đang yêu cầu Bộ Tài chính, các địa phương lập dự toán căn cứ vào dữ liệu kinh tế - xã hội chứ không phải ước thu rồi lấy % tăng thêm. Cũng không thể lấy tỉnh vượt thu bù cho tỉnh hụt thu được đâu mà Trung ương lại phải hỗ trợ các địa phương khó khăn”.
Cho rằng đây là góp ý ở cách tiếp cận trong xây dựng báo cáo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong Uỷ ban Kinh tế, Quốc hội nhìn nhận tình hình khách quan, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phải khắc phục yếu kém của nền kinh tế tích tụ nhiều năm, vừa bảo đảm tăng trưởng để giúp công tác điều hành kinh tế - xã hội đi đúng hướng.
Bộ trưởng Bộ TN và MT Trần Hồng Hà (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng, Báo cáo thẩm tra bổ sung thiếu sự kế thừa. Phương pháp đánh giá cần giới hạn phạm vi, có đối chiếu các con số chỉ tiêu cụ thể.
“Nếu nói tình hình cho năm 2017, 2018 thì những nhận định đó không phù hợp. Có vấn đề chúng ta thấy rằng cả quá trình phát triển thì Trung ương cũng nhận thấy và chính năm 2016, Hội nghị Trung ương 5 đã nhìn nhận rồi, ban hành đồng bộ 3 vấn đề quan trọng về kinh tế tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế thị trường - những vấn đề mới thực hiện hơn 1 năm qua nên không thể đòi hỏi đất nước chuyển biến ngay được”, đại biểu Trần Hồng Hà nói và đề nghị phải từng bước cụ thể hoá bằng cơ chế chính sách pháp luật.
Ông Trần Hồng Hà nêu ví dụ “với Luật Đất đai, Quốc hội phải có kiến nghị về chính sách, hay vấn đề bảo vệ môi trường cũng thế, chúng tôi đề xuất nếu kinh tế này thì môi trường phải thay đổi. Hiện nay đặc khu chúng ta chậm hơn thị trường khi ta đưa ra chính sách phát triển đặc khu và đầu tư vào đặc khu thì thị trường kéo tăng giá đất lên và người dân tập trung mua đất. Nếu đất công chưa chuyển mục đích thì hoàn toàn vi phạm pháp luật, thì địa phương có thể xử lý. Nếu truyền thông nhanh nhạy thì việc mua bán đất trái phép phải có chế tài nghiêm thì xu hướng sẽ giảm đi. Vừa qua, khi địa phương quan tâm quản lý thì làm giảm nóng đất cát ở đặc khu”.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh (đoàn Gia Lai) bày tỏ Báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội kỳ họp thứ 5 gồm các bước: Sau khi nhận được báo cáo của Chính phủ, căn cứ nội dung báo cáo, Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và trên cơ sở 13 tiêu chí chỉ tiêu thì Uỷ ban Kinh tế dựng dự thảo và các thành viên Uỷ ban tham gia ý kiến. Tiếp đó, Uỷ ban Kinh tế họp phiên toàn thể, toạ đàm với sự tham gia của các chuyên gia và trên cơ sở đó Uỷ ban Kinh tế tập hợp lại thành báo cáo đầy đủ xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Chủ tịch Quốc hội. Sau đó, Uỷ ban Kinh tế xin phép Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm báo cáo tóm tắt để trình trước Quốc hội. Báo cáo đầy đủ đã được gửi tới tất cả các đại biểu Quốc hội và ngày 21-5, Uỷ ban Kinh tế trình bày báo cáo tóm tắt thì không thể hiện được hết tinh thần của báo cáo chính nên quốc dân đồng bào không đọc được báo cáo đầy đủ nên gây thiếu sót.
Ông Dương Quốc Anh cũng nhận định nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, kinh tế - xã hội năm 2017 đã có tăng trưởng vượt bậc. Trước đây tăng trưởng cao vì phụ thuộc vào tín dụng dễ gây lạm phát thì nay tăng trưởng đạt 6,81% mà CPI dưới 4%. Bội chi ngân sách từ giai đoạn 2011-2012 luôn trên 5% nhưng mấy năm nay xuống dưới 5%. Các năm trước nhập siêu nhưng riêng năm 2017 nền kinh tế xuất siêu và cả 3 khu vực tăng trưởng tốt.
Ông Dương Quốc Anh đề nghị Chính phủ, các đại biểu Quốc hội cùng phân tích sâu hơn các khuyến nghị của Uỷ ban Kinh tế để thực hiện tốt hơn cho năm 2018.
Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, nền kinh tế hội nhập sâu rộng nhưng hiện nay xuất hiện các vấn đề khó lường, nhất là các nền kinh tế lớn đang xu hướng quay lại bảo hộ. Việc Tổng thống Hoa Kỳ Đô-nan Trăm rút ra khỏi Thoả thuận hạt nhân với I-ran tạo biến động làm giá dầu tăng... Một vấn đề nữa là trong khi nguồn lực của chúng ta như trần nợ công đang đạt 65% nhưng chính xác hiện nay là hơn 61%, thấp hơn năm trước vì mẫu số GDP tăng lên. Huy động nguồn lực trong nước và ODA nước ngoài hạn chế, trong khi nhu cầu đầu tư hạ tầng giáo dục y tế, xoá đói giảm nghèo tạo ra lan toả cao còn rất lớn.
Một số vấn đề đáng quan tâm khác như liên quan đến cán cân thương mại hiện nay xuất siêu nhưng chủ yếu là do khối FDI, đặc biệt là Samsung. Hiện nay, Bộ Tài chính đang nỗ lực cải cách mở rộng nguồn thu, cải cách quản lý chi là việc cần thiết nhưng chính sách thuế mà ta mở rộng nên đòi hỏi các chương trình giáo dục người dân thì người ta mới hiểu được, theo ông Dương Quốc Anh.
Buổi chiều, Quốc hội làm việc ở hội trường để nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và thảo luận về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi)./.
Tin, ảnh: chinhphu.vn