TP Hồ Chí Minh: Thí điểm lắp camera tại trường mầm non

08:04, 13/04/2018

Thông tin từ Sở GD và ĐT Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, UBND thành phố vừa giao cho Sở này xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm lắp camera tại các trường mầm non trên địa bàn thành phố. Việc lắp đặt này nhằm mục đích tăng cường quản lý và đảm bảo an toàn cho trẻ tại các trường mầm non. 

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, yêu cầu lắp đặt camera tại các trường mầm non được lãnh đạo thành phố đặt ra sau khi xảy ra một số vụ bạo hành tại các trường mầm non diễn ra trong thời gian gần đây.

Việc lắp đặt camera nhằm hỗ trợ công tác quản lý, qua đó giúp phụ huynh cùng với nhà trường giám sát được các hoạt động của trẻ tại trường, tạo sự yên tâm cho phụ huynh.

Dự kiến việc thí điểm sẽ được thực hiện trong năm 2018, bước đầu chọn trường ở một quận trung tâm, một quận ven thành phố và một huyện ngoại thành để thí điểm thực hiện.

Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng GD và ĐT quận 12 cho biết, sau vụ bạo hành trẻ diễn ra ở cơ sở giữ trẻ Mầm Xanh tạo làn sóng phẫn nộ từ dư luận vào cuối tháng 11-2017, địa phương đã khuyến khích tất cả cơ sở giữ trẻ tư nhân lắp đặt camera để tăng cường giám sát và đảm bảo an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, đến nay chủ trương chỉ dừng ở việc khuyến khích chứ chưa thể ép buộc vì liên quan nhiều vấn đề như kinh phí, nguyện vọng của giáo viên.

Hà Nội: Thí điểm vận hành chuỗi “Cửa hàng tự động” không người bán

Theo Kế hoạch số 84/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử năm 2018 vừa được ban hành, Hà Nội phấn đấu năm 2018, doanh thu bán lẻ trực tuyến chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố; giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về chỉ số thương mại điện tử (EBI) hằng năm; Tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến đạt 66% số người sử dụng internet trên địa bàn thành phố; có 85% cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, cửa hàng xăng dầu, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa, dịch vụ; đạt 62% doanh nghiệp có website, ứng dụng cung cấp thông tin doanh nghiệp, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để hoàn thành chỉ tiêu trên, thành phố triển khai 14 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, thành phố sẽ thí điểm vận hành chuỗi “Cửa hàng tự động”. Đây là những cửa hàng không người bán, sử dụng mô hình O2O (Online 2 Offline), sử dụng mã hình QR trong đặt hàng trực tuyến và thanh toán trực tuyến, sử dụng logistics điện tử trong giao nhận sản phẩm, hàng hóa.

Thành phố cũng sẽ vận hành mạng lưới “Máy bán hàng tự động” tại các địa điểm công cộng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh qua website thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội... để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trong nội địa và xuất khẩu, xuyên biên giới.

Thành phố cũng đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, hình thức, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán điện tử) trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, cửa hàng xăng dầu, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và trong mua sắm trực tuyến...

Theo SGGP

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com