Quảng Ninh: Công bố quy hoạch chi tiết sân bay Vân Đồn

08:03, 20/03/2018

Tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ GTVT vừa tổ chức lễ công bố quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo quy hoạch chi tiết, Cảng hàng không (CHK) quốc tế Vân Đồn là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự, đến năm 2020 sẽ có công suất 2-2,5 triệu khách/năm. Loại tàu bay khai thác B777/787/747, A350 và tương đương. Sân bay có 6 vị trí đỗ tối thiểu.

Theo dự kiến, đến năm 2030, sân bay Vân Đồn sẽ đạt công suất 5 triệu khách/năm.

Đường cất - hạ cánh của sân bay đến năm 2020 có kích thước 3,6km, rộng 45m, bảo đảm cho việc khai thác tàu bay B777, B787, B747-400, A350 hoặc tương đương. Đây là đường cất - hạ cánh dài nhất Việt Nam hiện nay.

Khu nhà ga hành khách với 2 modul độc lập. Nhà ga đạt công suất 2,5 triệu khách/năm vào năm 2020 và đến năm 2030 xây mới nhà ga hành khách số 2 để nâng tổng công suất nhà ga đạt 5 triệu khách/năm khi có nhu cầu.

Về nhà ga hàng hoá, giai đoạn đến năm 2020 bố trí xử lý hàng hoá trong nhà ga hành khách; đến năm 2030 xây nhà ga hàng hoá đáp ứng công suất tối thiểu 51 nghìn tấn hàng hoá/năm.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là một trong 2 dự án hạ tầng hàng không được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Tỉnh Quảng Ninh lựa chọn Tập đoàn Sun Group là nhà đầu tư chiến lược thực hiện dự án. Dự án được xây dựng trên diện tích đất 320ha tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn. Sân bay nằm cách trung tâm Thành phố Hạ Long khoảng 50km, cách Thành phố Cẩm Phả gần 20km.

Tổng mức đầu tư của dự án là 7.500 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng) phân kỳ làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đang được xây dựng với mức đầu tư 3.900 tỷ đồng.

TP Hồ Chí Minh: Triển lãm gốm Thành Lễ

Gốm Thành Lễ là dòng gốm ra đời tại Việt Nam vào cuối thập niên 50 của thế kỷ 20, đây là dòng gốm tiêu biểu cho sự bùng phát của nghệ thuật tạo hình trẻ của Việt Nam, được đánh giá là sự pha trộn giữa truyền thống mỹ thuật dân tộc với trào lưu art-deco đang thịnh hành trên thế giới khi đó.

Các sản phẩm gốm Thành Lễ mang đậm hình ảnh, phong tục tập quán của người Việt, như sản phẩm bình gốm “Thiếu nữ du xuân” với chiếc áo dài cách tân ngày đó, áo bà ba; cụ đồ viết chữ trong tranh “Xin chữ ngày Tết”; tình yêu thương gia đình qua bức tượng gốm “Chị cõng em”.

Dù mang hình ảnh cổ truyền nhưng tạo hình của gốm Thành Lễ lại theo phong cách hiện đại của thập niên 1950-1960 với những hình khối, đường nét dứt khoát và mạnh mẽ, thuộc trường phái hội họa lập thể. Điều đó khiến các sản phẩm gốm Thành Lễ mang tính sáng tác nghệ thuật hơn là một sản phẩm thương mại.

Ngoài ra, một điểm nhấn quan trọng khác của sản phẩm Thành Lễ là màu men khá đặc biệt, ngay cả hiện nay cũng ít sản phẩm gốm có được. Điển hình là màu men hồng cánh sen, lavender, xanh trổ đồng (men màu có sự kết hợp của mạt đồng kim loại để pha chế), hay màu men đen huyền thoại lấp lánh ánh xà cừ.

Những tác phẩm gốm Thành Lễ được trưng bày tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh từ 19 đến 25-3. Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày các bộ sưu tập về sách quý hiếm, quạt cổ Marelli, tờ nhạc xưa, phụ bản tranh…

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com