Hà Nội: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, thủy sản

08:03, 27/03/2018

Để nâng cao giá trị lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Theo thống kê của Sở NN và PTNT Hà Nội, thành phố đã nhập các giống gà, lợn ông bà, bố mẹ từ nước ngoài để cải thiện chất lượng đàn giống. Đơn cử như giống gà D300 của Cộng hòa Séc, giống lợn Landrace, Yorkshire từ Đan Mạch, Thái Lan, Ca-na-đa... Trong công tác giống sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, đối với đàn bò: Đạt 100% với đàn bò sữa và 61% đối với đàn bò thịt; đối với đàn lợn đạt 79%; công tác thụ tinh nhân tạo gà đang bắt đầu thử nghiệm triển khai thực hiện tại 5 cơ sở.

Mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng tại huyện Đông Anh.
Mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng tại huyện Đông Anh.

Đối với hệ thống chuồng chăn nuôi lợn và gà, trên địa bàn thành phố đã sử dụng hệ thống chuồng kín đạt 30% số trại chăn nuôi quy mô lớn. Riêng chăn nuôi bò sữa sử dụng hệ thống làm mát đạt trên 80%, bò thịt đạt trên 50%. Đáng quan tâm là hệ thống xử lý môi trường trong chăn nuôi đã được cải thiện rõ rệt. Hiện, 75% số trại chăn nuôi bò sữa, 44% số trại chăn nuôi bò thịt, 44% số trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư đã sử dụng hầm bi-ô-ga; 65% số trại chăn nuôi bò sữa, 28% số trại chăn nuôi bò thịt, 29% số trại chăn nuôi lợn và 34% số trại chăn nuôi gà sử dụng chế phẩm xử lý môi trường trong chăn nuôi. Riêng đối với chăn nuôi lợn đã có 2 trại chăn nuôi quy mô lớn sử dụng biện pháp xử lý môi trường theo cơ chế phát triển sạch.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố, việc ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi trồng thủy sản được coi là công nghệ sinh học theo hướng mới cũng đã được triển khai. Thành phố Hà Nội đã hình thành nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các huyện: Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín theo hướng sản xuất hàng hóa với sản lượng sản phẩm thủy sản khá lớn, chiếm khoảng 40% tổng sản lượng sản phẩm thủy sản sản xuất ra của thành phố. Trong đó, nhiều mô hình nuôi cá chép lai, trắm cỏ, rô phi... cho lợi nhuận cao từ 100 đến 150 triệu đồng/ha/năm.

TP Hồ Chí Minh: Đầu tư xây dựng 3 bến xe buýt mới

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh vừa khởi công xây dựng 3 bến xe buýt với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và đáp ứng mục tiêu vận tải hành khách công cộng năm 2018 đạt 635 triệu lượt khách.

Cụ thể, bến xe buýt Tân Phú (quận Tân Phú) có tổng diện tích xây dựng 5.507,7m2, có các hạng mục nhà vệ sinh công cộng, hàng rào bảo vệ, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hệ thống camera giám sát an ninh; công trình có tổng mức đầu tư 6,5 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong 75 ngày. Bến xe buýt Tân Quy (huyện Củ Chi) diện tích xây dựng 1.156m2, với kinh phí 1,9 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành thi công trong 120 ngày. Bến xe buýt An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) có diện tích xây dựng 600m2, với kinh phí 1,3 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành thi công trong 90 ngày./.

Theo HNM



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com