Ngày 12-3, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đầu tư đợt 1-2018 cho 19 dự án của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo đó, trong số 19 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư đợt 1 có 15 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 4 doanh nghiệp trong nước.
Tính chung từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh Bình Dương đã thu hút 435 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, gồm 31 dự án đầu tư mới có tổng vốn đăng ký gần 234 triệu USD, 13 dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm 141,5 triệu USD và 18 nhà đầu tư nước ngoài góp vốn gần 60 triệu USD. Với kết quả trên, tỉnh Bình Dương chỉ đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh về thu hút đầu tư và chiếm 12,98% tổng vốn đầu tư cả nước.
Các dự án được cấp giấy chứng nhận có vốn đầu tư lớn như: dự án kinh doanh dịch vụ logistic, bất động sản công nghiệp do tập đoàn Tài chính Warburg Pincus liên doanh cùng Tổng Cty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP Becamex IDC Corp (KCN Bàu Bàng và KCN Mỹ Phước 3) với tổng số vốn 135,2 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất, gia công hàng may mặc của Cty TNHH Apparel Far Eastern KCN VSIP 2 - A với tổng số vốn đăng ký 25 triệu USD; dự án nhà máy Cty TNHH Liang Chi Việt Nam với tổng số vốn đạt gần 6 triệu USD…
Các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu trong danh sách thu hút đầu tư với tổng số vốn đạt 274 triệu USD, chiếm 63,2% tổng số vốn đăng ký, tiếp sau là lĩnh vực thương mại và kinh doanh bất động sản.
Hiện Hà Lan là quốc gia đầu tư lớn nhất vào tỉnh Bình Dương với tổng số vốn đầu tư đạt 135,8 triệu USD, chiếm 31% tổng vốn đầu tư; đứng thứ 2 là các doanh nghiệp Hàn Quốc (chiếm 25%); giữ vị trí thứ 3 là các doanh nghiệp của Đài Loan (chiếm 8,1%).
Tại đây, UBND tỉnh Bình Dương đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác tổ chức sự kiện Hiệp hội đô thị khoa học thế giới (WTA). Ngoài ra, còn diễn ra lễ ký hợp đồng thuê đất mở rộng dự án tại KCN Bàu Bàng của Tập đoàn Far Eastern với Tổng Cty Becamex IDC Corp.
Hà Nội: Ghi nhận gần 2.200 ca bệnh cúm
Theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ ngày 5 đến 11-3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 6 ca bệnh sởi, nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 28 trường hợp.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, thành phố cũng ghi nhận gần 2.200 ca bệnh cúm, 56 ca sốt xuất huyết, 17 ca tay chân miệng.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa xuân - hè, ngành Y tế Hà Nội đã triển khai gần 700 điểm giám sát dịch bệnh, tập trung vào các địa bàn trọng điểm; tiếp tục thực hiện tốt việc đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh qua Sân bay quốc tế Nội Bài để chủ động kiểm soát các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập. Do đó, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn trong tầm kiểm soát.
Riêng bệnh cúm, trên địa bàn thành phố mới chỉ ghi nhận các ca cúm mùa, chưa ghi nhận các trường hợp cúm nguy hiểm như: Cúm A/H5N6, cúm A/H7N9... Tuy nhiên, với thời tiết giao mùa xuân - hè như hiện nay, dịch bệnh cúm dễ gia tăng và lan rộng. Tiến sĩ Ngũ Duy Nghĩa, Phó Trưởng khoa Dịch tễ (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) khuyến cáo, trong đời, một người có thể nhiễm cúm nhiều lần. Hơn 90% số ca mắc cúm mùa thường nhẹ và tự khỏi sau 7-10 ngày.
Biến chứng bệnh cúm mùa thường xảy ra đối với những người có bệnh nền, trẻ nhỏ và người già có sức đề kháng kém. Khi bệnh cúm mùa gây biến chứng nặng, người bệnh rất dễ tử vong. Hiện nay, vắc-xin phòng bệnh cúm có thể phòng tất cả các chủng cúm mùa./.
Theo dangcongsan.vn