Hà Nội: Làm 23km đường từ Hà Đông đi Xuân Mai

09:02, 27/02/2018

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ xác định chỉ giới đường đỏ và thiết kế cắm mốc giới tuyến đường Hà Đông - Xuân Mai (đoạn ngoài đường Vành đai 4), tỷ lệ 1/500 trên địa bàn quận Hà Đông, huyện Thanh Oai và Chương Mỹ.

Theo quyết định, quy mô nghiên cứu tuyến đường trên: Điểm đầu giao với đường Vành đai 4, điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch; chiều dài tuyến khoảng 23km.

Đoạn nằm trong đô thị vệ tinh Xuân Mai, mặt cắt ngang 60m; đoạn nằm ngoài đô thị vệ tinh Xuân Mai mặt cắt ngang 40m. Đoạn trong đô thị vệ tinh Xuân Mai là tuyến đường chính đô thị, đoạn nằm ngoài đô thị vệ tinh Xuân Mai là đường cấp 1 đồng bằng. Đây là trục có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông đô thị Xuân Mai với đô thị trung tâm.

Việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch nhằm xác định chỉ giới đường đỏ và thiết kế cắm mốc giới tuyến đường làm cơ sở tổ chức triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa phục vụ công tác quản lý đô thị theo quy hoạch được duyệt. Làm cơ sở để triển khai tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết (hoặc thiết kế đô thị) hai bên trục đường, lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường đảm bảo sự đồng bộ về giao thông, hạ tầng kỹ thuật và kiến trúc cảnh quan.

Trước đó, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La (Hà Đông) - Xuân Mai được đề xuất có tổng mức đầu tư khoảng 8.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng dự án khoảng 2.615 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 4.349 tỷ đồng, chi phí dự phòng khoảng 1.063 tỷ đồng, lãi vay 647 tỷ đồng, còn lại là các chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác. Đề xuất dự án của nhà đầu tư cũng nêu rõ, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 từ Ba La - Xuân Mai có mặt cắt ngang từ 4-6 làn xe, có suất đầu tư khoảng 130 tỷ đồng/km.

Tuy nhiên sau đó Thành phố Hà Nội khẳng định tổng mức đầu tư dự án sẽ được xác định trên cơ sở thiết kế sơ bộ và phương án giải phóng mặt bằng tạm xác định (thực hiện sau đàm phán hợp đồng BT). Trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi (lập dự án), tổng vốn đầu tư dự án sẽ được chuẩn xác lại dựa trên phương án tổng thể bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư được lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định Luật Đất đai và các quy định khác liên quan.

TP Hồ Chí Minh: Thị trường lao động cơ bản ổn định

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tình trạng thiếu hụt lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh không lớn, bình quân từ 3% đến dưới 5%. Còn với những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt, may, chế biến, dịch vụ - phục vụ nhà hàng, khách sạn... mức độ thiếu hụt trung bình từ 8% đến 10% do các ngành này tuyển thêm nhiều lao động. Vấn đề các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là tuyển chọn người lao động phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, kể cả lao động phổ thông. 

Như vậy, sau Tết Nguyên đán, tình trạng dịch chuyển lao động khiến nhu cầu tuyển dụng nhân lực tăng bình quân 5%-8% so thời điểm cuối năm 2017. Sự dịch chuyển này tập trung ở cả lực lượng lao động phổ thông và nhân sự chất lượng cao.

Dự báo tháng 3-2018, Thành phố Hồ Chí Minh cần tới 30 nghìn lao động. Với đặc thù là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018 tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở các ngành, lĩnh vực mũi nhọn; chú trọng phát triển theo xu hướng lao động đã qua đào tạo, có tay nghề, năng suất lao động, bảo đảm cho việc mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đầu tư nước ngoài, xuất khẩu lao động./.

Theo dangcongsan.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com