Vào lúc 3 giờ 14 phút ngày 8-1 (theo giờ Hà Nội), địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra trận động đất với cường độ 3,9 độ rích-te.
Đây là trận động đất xảy ra đầu tiên trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong năm 2018. Trước đó, trong năm 2017, địa bàn tỉnh đã xảy ra bảy trận động đất tại địa bàn các huyện Điện Biên, Mường Chà, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa và thị xã Mường Lay với cường độ dao động khác nhau từ 2,1-3,9 độ rích-te.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Trạm trưởng Trạm Quan sát động đất Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết tâm chấn trận động đất được xác định tại tọa độ 21,409 độ vĩ Bắc; 103,309 độ kinh Đông; độ sâu chấn tiêu khoảng 10km, dư chấn kéo dài trong khoảng thời gian 3 giây. Vị trí này trận động đất được xác định nằm trên khu vực huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.
Tại thời điểm xảy ra động đất, người dân khu vực lòng chảo Mường Thanh, Thành phố Điện Biên Phủ cảm nhận rất rõ sự rung lắc nhà cửa và các đồ đạc, vật dụng trong gia đình. Cảm nhận rõ sự rung lắc do dư chấn động đất gây ra, nhiều người dân đã giật mình thức giấc trong đêm và hoảng hốt chạy ra khỏi nhà.
Theo ông Nguyễn Thái Sơn, Trạm trưởng Trạm Quan sát động đất Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, tỉnh Điện Biên nằm trong khu vực Tây Bắc, nơi có hai dải đứt gãy địa chấn lớn là Điện Biên - Lai Châu và Sông Mã - Sơn La nên việc xảy ra động đất trên địa bàn tỉnh Điện Biên là điều bình thường, xảy ra hằng năm. Với cường độ và dư chấn như vậy, trận động đất này không có thiệt hại về nhà cửa, các công trình xây dựng trên địa bàn.
Sơn La: Khởi công nhà máy chế biến nông sản công nghệ cao
Tỉnh Sơn La vừa tổ chức lễ khởi công Nhà máy bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao Vân Hồ, tổng vốn đầu tư 7,5 triệu USD.
Nhà máy bảo quản và chế biến nông sản công nghệ cao Vân Hồ thuộc Cty TNHH Thực phẩm SI Vân Hồ do Tập đoàn IC Food (Hàn Quốc), Cty Stevia Corp (Mỹ) và SC Agro Food (Việt Nam) làm chủ đầu tư.
Việc xây dựng Nhà máy được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 công suất ước đạt 1.700 tấn/năm; giai đoạn 2 là 3.400 tấn/năm.
Nhà máy áp dụng kỹ thuật và công nghệ chế biến hiện đại của Hàn Quốc; gia công chế biến nông sản sử dụng nguồn nguyên liệu phong phú, đa dạng tại chỗ như: Bắp cải, cải chíp sấy khô… để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao và xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Dự kiến sẽ có khoảng 100 hợp tác xã sản xuất rau phối hợp liên kết với Nhà máy để sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Trước mắt, nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho Nhà máy, huyện Vân Hồ đã quy hoạch khoảng 400ha trồng rau tại 5 xã.
Việc Nhà máy đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tỷ lệ nông sản thất thoát sau thu hoạch, đồng thời, việc xuất khẩu sản phẩm sẽ nâng cao giá trị và chất lượng các mặt hàng nông sản Sơn La.
Dự kiến, tháng 9-2018, Nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động./.
Theo dangcongsan.vn