Ðể bình ổn thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai kế hoạch cho vay 18 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 0% hỗ trợ 4 doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ và cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ dịp Tết.
Ngoài ra, các cơ sở, doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia chương trình bình ổn của tỉnh sẽ được xem xét hỗ trợ vay vốn với hạn mức và lãi suất ưu đãi tại các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn để sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa và phát triển hệ thống phân phối phục vụ công tác bình ổn thị trường.
Nhằm phục vụ Tết Nguyên đán, tỉnh sẽ tập trung vào 8 nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tham gia bình ổn thị trường dịp Tết gồm: Gạo, gạo nếp; thịt gia súc (heo, bò); thịt gia cầm (gà, vịt); trứng gia cầm (gà, vịt); thực phẩm chế biến; dầu ăn; đường và rau, củ, quả tươi. Các mặt hàng phải đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả phù hợp và nguồn cung ổn định để phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.
UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo Sở Công thương cùng các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra thị trường, tập trung kiểm tra các điểm bán hàng bình ổn giá theo kế hoạch; xử lý nghiêm những điểm bán hàng bình ổn giá nếu bán hàng không theo giá niêm yết đã đăng ký. Các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Long An: Chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao
Theo Sở NN và PTNT tỉnh Long An, thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hiện tỉnh này đã chuyển đổi được gần 25 nghìn ha đất lúa sang các loại cây trồng khác hiệu quả kinh tế hơn.
Các loại cây trồng được bà con nông dân chuyển sang gieo trồng là rau các loại, thanh long, chanh, ngô, vừng, lạc, dưa hấu,... Theo ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Long An, thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa (Quyết định số 580/QÐ-TTg, ngày 22-4-2014 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang cây màu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long), Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định mức hỗ trợ kinh phí mua hạt giống cây trồng để thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang màu, thông qua việc hỗ trợ này, nhiều địa phương triển khai, thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác.
Nhiều địa phương sau khi chuyển đổi từ lúa sang các loại cây trồng khác đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trước đây như ở huyện Cần Giuộc, nông dân chuyển từ lúa sang trồng rau sạch; huyện Châu Thành trồng thanh long… hiệu quả kinh tế gấp từ 2 đến 5 lần so với trồng lúa.
Yên Bái: Mở rộng diện tích trồng mới các loại cây dược liệu
UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành kế hoạch phát triển cây dược liệu tỉnh Yên Bái đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phát triển các loại cây dược liệu.
Cụ thể, UBND tỉnh Yên Bái xác định, sẽ ưu tiên phát triển 14 chủng loại cây dược liệu gồm: quế, sơn tra, thảo quả, đinh lăng, sả, ba kích, giảo cổ lam, sâm Ngọc Linh, ý dĩ, hà thủ ô đỏ, cà gai leo, lá khôi, atiso, đương quy. Trong đó, tổng diện tích trồng mới các loại cây dược liệu tại các huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái đến năm 2020 sẽ là 26.470ha.
Trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện việc phát triển cây dược liệu đến năm 2020, theo kế hoạch đến năm 2025, Yên Bái sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế, gồm 29 chủng loại chính; tiếp tục trồng cải tạo, bổ sung, thay thế diện tích cây dược liệu đã khai thác; duy trì, phát triển có hiệu quả diện tích cây dược liệu hiện có trên địa bàn tỉnh./.
Theo dangcongsan.vn