Theo Sở KH và ĐT tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh Đồng Nai 229 dự án với tổng vốn gần 4 tỷ USD. Hiện, Nhật Bản đang xếp thứ 3 trong 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh này.
Các doanh nghiệp Nhật Bản phần lớn đầu tư vào các KCN, chỉ có 6 dự án nằm ngoài KCN. Các lĩnh vực đầu tư chính là: điện tử, linh kiện điện tử, máy tính, máy móc thiết bị, cơ khí chế tạo. Khoảng 3 năm trở lại đây, có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đến Đồng Nai đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Các dự án đều sử dụng công nghệ hiện đại, có những nhà máy tự động hóa gần hết các khâu nên chỉ dùng rất ít lao động.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, mối quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển, các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng quan tâm và đánh giá cao môi trường đầu tư tại Đồng Nai. Đã có hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản tham dự các Hội nghị doanh nghiệp xúc tiến đầu tư Nhật Bản tại Đồng Nai. Thời gian qua, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận, tìm kiếm thị trường, đối tác tại Nhật Bản, cũng như quảng bá thị trường Việt Nam đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, cùng với đó tỉnh Đồng Nai cũng đã cử các đoàn công tác xúc tiến đầu tư và du lịch đến thăm và làm việc tại Thành phố Ô-sa-ca và Tô-ky-ô của Nhật Bản.
Chính quyền Đồng Nai luôn xác định các doanh nghiệp Nhật Bản là những đối tác lớn, đầy tiềm năng nên tỉnh Đồng Nai đã hình thành riêng các KCN ưu tiên cho doanh nghiệp Nhật Bản như KCN Long Đức, KCN Nhơn Trạch 3. Hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản trong các KCN này đều hoạt động hiệu quả.
Cục Hải quan Đồng Nai cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Nai nhằm mục đích đẩy mạnh và phát triển mối quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp. Thông qua nội dung thỏa thuận hợp tác, hai bên mong muốn thiết lập một kênh thông tin trực tiếp giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp để cùng thực hiện tốt các quy định pháp luật liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tăng cường quản lý Nhà nước về hải quan.
TP Hồ Chí Minh: Tuyến buýt sông đầu tiên sẽ hoạt động từ ngày 25-11
Cty TNHH Thường Nhật, chủ đầu tư dự án 2 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy (gọi tắt là buýt sông) cho biết, ngày 25-11 tới sẽ chính thức vận hành và đưa vào khai thác tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông).
Trước đó, ngày 21-8, Cty này đã hạ thủy, vận hành kỹ thuật tuyến buýt sông số 1. Đến nay, việc thi công, lắp ráp, chỉnh trang bến bãi cùng các điểm đón, trả khách theo lộ trình của tuyến buýt này đã cơ bản hoàn tất. Ngoài việc bảo đảm an toàn, đơn vị còn phải đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ quan... tại những trạm dừng này.
Hiện các bến bãi chính của tuyến số 1 như Bạch Đằng, Linh Đông đã được kết nối với mạng lưới xe buýt của Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo thuận lợi cho người dân di chuyển.
Vừa qua, Cty Thường Nhật đã đề xuất việc kết nối tuyến buýt sông số 1 với 3 tuyến xe điện loại 4 bánh, gắn với các điểm du lịch, khách sạn, bảo tàng trên địa bàn. Hiện đề xuất này được Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận và đang trình UBND thành phố và Bộ GTVT có ý kiến xem xét, thống nhất và hướng dẫn thực hiện.
Theo Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh, việc thí điểm xe điện 4 bánh là cần thiết để phục vụ người dân đi lại và tham quan du lịch. Đồng thời, cũng phát huy hiệu quả của tuyến buýt đường sông chuẩn bị đưa vào khai thác./.
Theo dangcongsan.vn