Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón, hội đàm với Tổng thống Chi-lê

07:11, 10/11/2017

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống nước Cộng hòa Chi-lê Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 8 đến 9-11-2017.

Trưa 9-11, tại Phủ Chủ tịch, sau Lễ đón chính thức và hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Chi-lê Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a đã chủ trì họp báo chung, thông báo về kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam không bao giờ quên tình cảm đoàn kết và sự ủng hộ quý báu của Tổng thống Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a dành cho Việt Nam từ trước tới nay.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống nước Cộng hòa Chi-lê Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống nước Cộng hòa Chi-lê Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần thứ hai của Tổng thống Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a diễn ra đúng vào dịp hai mốc kỷ niệm đáng nhớ. Sau chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên năm 1977, chuyến thăm lần này đánh dấu chặng đường 40 năm Tổng thống Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a gắn bó với Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng đối với quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Chi-lê.

Chuyến thăm lần này cũng diễn ra vào đúng 10 năm sau khi Việt Nam và Chi-lê thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện và khởi xướng đàm phán Hiệp định Thương mại tự do song phương - hai sự kiện này đều diễn ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a. 

Lãnh đạo hai nước chia sẻ niềm vui trước sự phát triển tích cực của mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Chi-lê thời gian qua. Quan hệ chính trị song phương ngày càng gắn bó và tin cậy thông qua trao đổi đoàn, tiếp xúc thường xuyên ở cấp cao và các cấp, ngành; các kênh quan hệ Đảng, Nghị viện và giao lưu nhân dân tiếp tục được tăng cường; các cơ chế Hội đồng Thương mại tự do song phương và Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao được duy trì thường xuyên và ngày càng hiệu quả; trao đổi thương mại Việt Nam - Chi-lê duy trì đà gia tăng mạnh, đặc biệt là từ sau khi Hiệp định Thương mại tự do song phương có hiệu lực; hợp tác về văn hóa, khoa học - công nghệ, đào tạo, du lịch và các lĩnh vực khác cũng được quan tâm thúc đẩy phát triển. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thông báo, lãnh đạo hai nước đã trao đổi, thống nhất về các biện pháp nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước thời gian tới trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại và đầu tư, trong đó ưu tiên tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh và tính bổ trợ lẫn nhau của nền kinh tế hai nước như: sản xuất và chế biến nông - thủy - hải sản, xây dựng, công nghệ sinh học, khai khoáng, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như trên các lĩnh vực văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, du lịch... 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ hoan nghênh việc hai bên ký kết các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực ngoại giao nhân dịp chuyến thăm này; cảm ơn Tổng thống Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a và Chính phủ Chi-lê đã tích cực thúc đẩy ký kết Bản ghi nhớ về chăm sóc trẻ em, nhất là đối với trẻ em là nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. “Tình đoàn kết và sự hợp tác của Chi-lê là nguồn động viên quý báu đối với các nạn nhân chất độc da cam, đồng thời góp phần hỗ trợ Việt Nam tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh”, Chủ tịch nước nhấn mạnh. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn Tổng thống Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a và Chính phủ Chi-lê đã sớm quyết định ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, hợp tác chặt chẽ và tích cực ủng hộ Việt Nam đăng cai Năm APEC 2017 nói chung và Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng nói riêng. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; chia sẻ lập trường ủng hộ giải quyết các tranh chấp về chủ quyền bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý. 

Tổng thống Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a bày tỏ vinh dự sang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần thứ hai trên cương vị Tổng thống Chi-lê; trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, thân tình của Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho đoàn. Tổng thống Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a bày tỏ ngưỡng mộ nhân dân Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn để xây dựng đất nước phát triển thịnh vượng tại khu vực Đông Nam Á. 

Tổng thống Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a gửi lời chia buồn với Nhà nước và nhân dân Việt Nam về những thiệt hại to lớn về tính mạng con người và tài sản do bão số 12 gây ra tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Trung bộ; khẳng định Chi-lê sẵn sàng hợp tác, chia sẻ với Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả do mưa bão vừa qua. 

Tổng thống Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a khẳng định tầm quan trọng của Hiệp định Thương mại tự do song phương có hiệu lực từ năm 2014, góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn của Chi-lê. Hai bên cũng đạt nhiều thành quả quan trọng về nghiên cứu và ứng dụng thành quả công nghệ, trao đổi kinh nghiệm về trồng lúa để phát triển lương thực ở Chi-lê... 

Tổng thống Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a nhấn mạnh, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực trẻ em và thanh, thiếu niên được ký kết trong chuyến thăm này có ý nghĩa đặc biệt đối với Chi-lê. Văn kiện này đánh dấu sự cam kết mạnh mẽ về hợp tác song phương trong vấn đề bảo vệ trẻ em, đặc biệt là đối với những trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam. Chính phủ Chi-lê sẽ nỗ lực cảnh báo cộng đồng quốc tế nâng cao nhận thức, cảnh báo về thảm họa của chất độc da cam gây ra cho nhân loại. 

Nhân dịp này, Tổng thống Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ Chi-lê tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác của ASEAN; nhấn mạnh mong muốn của Chi-lê trở thành đối tác đối thoại của Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) nhằm chia sẻ kinh nghiệm về bảo đảm an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tổng thống Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, lãnh đạo và nhân dân hai nước Chi-lê và Việt Nam cần quyết tâm nhằm đảm bảo hòa bình cho thế hệ tương lai, cùng thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai nước. 

Trước cuộc họp báo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a đã ký Tuyên bố chung Việt Nam - Chi-lê. Hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Chi-lê, đó là: Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về hợp tác trong lĩnh vực trẻ em và thanh, thiếu niên; Hiệp định hợp tác về hoạt động có thu nhập cho thân nhân cán bộ ngoại giao, lãnh sự, nhân viên và kỹ thuật viên các cơ quan đại diện, cơ quan lãnh sự và tổ chức quốc tế; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Học viện Ngoại giao hai nước. 

Sáng cùng ngày, Tổng thống Chi-lê Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a đã tới đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Nhà sàn Bác Hồ; đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ.

Buổi chiều, Tổng thống Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a đã có cuộc hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân./.

Tin, ảnh: TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com