Đúng 14h chiều ngày 8-11, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit), một sự kiện chính trong ngày thứ ba của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Ariyana, Đà Nẵng. Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phát biểu mở đầu phiên khai mạc, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch APEC CEO Summit khẳng định, đây là Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử APEC, diễn ra ở thời điểm hệ trọng của khu vực này khi mà “chúng ta cần chung tay sáng tạo ra những động lực mới cho tương lai, thời điểm mà quá trình toàn cầu hóa và hội nhập khu vực cần được định hình lại để đáp ứng các yêu cầu của thời đại mới”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nhân APEC |
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, theo chương trình nghị sự, Hội nghị sẽ bắt đầu từ chủ đề việc làm và chất lượng nguồn nhân lực - tài nguyên quan trọng nhất trong nền kinh tế mới của APEC. Hội nghị cũng sẽ bàn về những ngành công nghiệp đem đến cơ hội việc làm trong tương lai. “Đặt vấn đề lao động và việc làm lên trên tất cả có nghĩa là chúng ta đã đặt con người và doanh nghiệp vào trung tâm của sự phát triển - tôn chỉ cao nhất mà các nền kinh tế APEC đang hướng tới”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Cho biết tại diễn đàn này, cộng đồng kinh doanh APEC sẽ được đón chào Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống Hoa Kỳ Đô-nan Trăm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo các nền kinh tế đang chiếm tới gần 60% GDP và 50% đầu tư và thương mại toàn cầu, Chủ tịch APEC CEO Summit 2017 bày tỏ hy vọng rằng, tầm nhìn và thông điệp của các nhà lãnh đạo sẽ góp phần định hình, cho tương lai của nền kinh tế thế giới và APEC, củng cố niềm tin của tất cả chúng ta vào một nền thương mại tự do và công bằng.
Chủ tịch nước phát biểu chào mừng các đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 tại Thành phố biển Đà Nẵng - trung tâm phát triển kinh tế miền Trung Việt Nam, chúc mừng và trân trọng cảm ơn những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với các nền kinh tế APEC trong suốt gần ba thập niên qua.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, trong nhiều năm qua và đặc biệt qua gần một năm triển khai Năm APEC 2017, Việt Nam đã cùng các nền kinh tế thành viên xây dựng, triển khai nhiều nội dung hợp tác thiết thực cho người dân và doanh nghiệp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới, thúc đẩy kinh tế số và kinh tế mạng, phát triển bao trùm về tài chính, kinh tế và xã hội. Mục tiêu xuyên suốt là nỗ lực cùng nhau đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển.
Để APEC tiếp tục là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, Chủ tịch nước đề nghị cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cùng Chính phủ giải quyết 3 vấn đề cấp bách.
Thứ nhất, ưu tiên hàng đầu hiện nay là duy trì đà liên kết và phục hồi kinh tế toàn cầu, phát huy vai trò tiên phong trong tự do hóa thương mại và đầu tư, hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020. Đẩy mạnh hợp tác công - tư trong tăng cường kết nối toàn diện và bao trùm, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, kết nối các chuỗi cung ứng, thương mại và đầu tư thế hệ mới.
“Tại diễn đàn này, tôi kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường hợp tác và hỗ trợ các nền kinh tế thành viên đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo để các nền kinh tế và người lao động thích ứng tốt hơn với môi trường kinh tế mới. Quan tâm đầu tư vào con người chính là để củng cố đồng thuận xã hội về tự do hóa thương mại, đầu tư về dài hạn. Đây chính là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp tiếp tục tận dụng những cơ hội của toàn cầu hóa và mở rộng đầu tư, kinh doanh trên phạm vi toàn cầu”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Thứ hai, APEC cần đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển. Chúng ta cần biến “câu chuyện thần kỳ kinh tế” thành “câu chuyện thần kỳ về phát triển bao trùm” của khu vực, đi đầu thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy trách nhiệm xã hội, tích cực đóng góp xây dựng các cộng đồng tự cường và bao trùm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực - nước - năng lượng, truyền tải tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào thị trường toàn cầu.
Thứ ba, để hướng tới tương lai chung tốt đẹp hơn, quý vị cũng như hàng triệu doanh nghiệp khác ở khu vực cần tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn APEC sau năm 2020 về xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng. Với đóng góp và kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp, chúng ta có thể xây dựng tầm nhìn khu vực toàn diện và bao trùm, bảo đảm lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển bền vững của các nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp APEC trong tương lai.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, trải qua hơn 30 năm đổi mới và gần 20 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, từ một nước kém phát triển trở thành một nền kinh tế đang phát triển có thu nhập trung bình, một mắt xích quan trọng trong mạng lưới 16 hiệp định thương mại tự do. Là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, tương lai của hơn 90 triệu người dân Việt Nam ngày càng gắn kết chặt chẽ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều nền kinh tế thành viên APEC đang và sẽ tiếp tục là những nhà đầu tư lớn nhất và những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đổi mới đồng bộ và toàn diện, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược. Đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, kinh tế biển, du lịch. Chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo vệ môi trường, mở rộng không gian kinh doanh cho các chủ thể, khơi dậy mọi tiềm năng của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm thực thi và đề cao thượng tôn pháp luật”, Chủ tịch nước nói.
Cùng với quá trình đổi mới toàn diện, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tích cực đóng góp vào các cơ chế đa phương. “Việc đăng cai Năm APEC lần thứ hai sau đúng 11 năm là minh chứng sinh động thể hiện quyết tâm đó”, Chủ tịch nước nhấn mạnh và khẳng định Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn hết sức trân trọng sự ủng hộ, hợp tác và đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp APEC trong chặng đường hơn 30 năm đổi mới.
CEO Summit kéo dài đến ngày 10-11, dự kiến có 15 phiên họp với sự tham gia của lãnh đạo các nền kinh tế APEC, các tổ chức, doanh nghiệp tên tuổi trên thế giới.
Trong khuôn khổ sự kiện, Tổng thống Phi-líp-pin Rô-đri-gô Đu-téc-tê có bài phát biểu vào ngày 9-11. Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến phát biểu vào ngày hôm nay, 10-11.
Cũng trong ngày 8-11, một sự kiện quan trọng khác là Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM) lần thứ 29 đã khai mạc dưới sự đồng chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Thành phố Đà Nẵng, ngày 9-11, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 (CEO Summit 2017) bước vào ngày làm việc thứ hai.
Đây là sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức từ ngày 8 đến 10-11-2017.
Hội nghị tiếp tục với nhiều phiên thảo luận về những vấn đề thiết thực với cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực như: Các xu hướng việc làm trong tương lai, nhân tố thay đổi cuộc chơi; kết nối để phát triển gồm phương thức tiếp cận hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, thu hẹp khoảng cách toàn cầu, khu vực và nội địa để phục vụ kinh doanh…; các mặt trận thương mại mới, lộ trình tự do hóa thương mại trong tương lai - những vấn đề cần giải quyết, định hình hiệp định thương mại tương lai để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm.
Chủ đề quan trọng khác cũng đã được tập trung thảo luận như: Kỷ nguyên số, tiến trình phát triển kinh tế số sẽ tác động tới khu vực và các giải pháp để khai thác lợi nhuận trong khi chuẩn bị để xã hội thích ứng; sản xuất tại thế giới, các xu thế kinh tế, chính trị, công nghệ sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất hàng hóa và dịch vụ trên toàn thế giới.
Trong ngày, đại biểu Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC tiếp tục tham gia một số hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017. Công viên APEC cũng sẽ chính thức khai trương, là điểm nhấn công trình trọng điểm ở Đà Nẵng được xây dựng nhân Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Công viên APEC sẽ là nơi trưng bày các bức tượng nghệ thuật, biểu trưng cho các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương./.
PV