* Đoàn Việt Nam dự Hội nghị Hội đồng điều hành Nghị viện châu Á
Văn phòng Quốc hội vừa cho biết, phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ khai mạc vào ngày 11-10 và diễn ra đến hết ngày 13-10.
Đáng lưu ý, tại phiên họp này, cơ quan thường trực của Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về hai vấn đề được dự kiến sẽ có tác động sâu rộng đến người dân. Đó là dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Ngày đầu tiên của phiên họp, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH sẽ cho kiến về các báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2017. Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành được UBTVQH cho ý kiến trong phiên làm việc chiều cùng ngày.
Chương trình nghị sự của phiên họp còn có các nội dung: cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018; báo cáo về ngân sách Nhà nước; kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ của Dự án hầm đường bộ Đèo Cả và việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.
Sáng 2-10, tại Thủ đô Phnôm-pênh, Nghị viện châu Á (APA) đã khai mạc Hội nghị Hội đồng điều hành lần thứ nhất với sự tham dự của khoảng 200 đại biểu đến từ 26 nước trong khu vực.
Đoàn Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến dẫn đầu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Căm-pu-chia, Chủ tịch Nghị viện châu Á, Xăm-đéc Hiêng Xom-rin cho rằng cuộc họp lần này là diễn đàn quan trọng, tạo cơ hội thuận lợi cho các nước thành viên chia sẻ các quan điểm và những bài học kinh nghiệm tốt, góp phần thúc đẩy thành công việc thông qua các giải pháp cho các cuộc họp toàn thể sắp tới của APA và trở thành xu hướng chủ đạo trong việc soạn thảo luật pháp của các nước thành viên, phù hợp với các nước trong khu vực và thế giới.
Chủ tịch Hiêng Xom-rin đánh giá cao những thành tựu to lớn APA đã đạt được cho đến nay, chứng minh cho thế giới thấy tầm quan trọng của tầm nhìn và sứ mệnh của APA trong việc cống hiến cho hòa bình, ổn định và phát triển toàn cầu; cũng như cống hiến có tính chất quyết định của các nước thành viên APA trong việc cùng nhau tạo nên những thành quả đầy ấn tượng này.
Ông Xom-rin khẳng định hội nghị lần này sẽ đưa ra sự hiểu biết trên tinh thần chung, đại diện cho những tiếng nói của nhân dân châu Á, phản ánh khát vọng chung của các nước thành viên luôn mong muốn sống trong hòa bình, ổn định, thịnh vượng và hài hòa.
Chủ tịch Xăm-đéc Hiêng Xom-rin bày tỏ lạc quan rằng cuộc họp lần này sẽ có tác động tích cực đối với việc dập tắt bạo lực, tranh chấp và những cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến khu vực và thế giới.
Theo chương trình, hội nghị sẽ tiến hành trong hai ngày với các nội dung như xem xét và đề nghị các giải pháp về các vấn đề chính trị, tài chính, văn hóa, xã hội của khu vực và thông qua biên bản của hội nghị.
Tại Hội nghị toàn thể của APA lần thứ 8 tổ chức tại Phnôm-pênh năm 2015, Căm-pu-chia đã được bầu làm Chủ tịch APA và sau đó, cũng tại Phnôm-pênh đã tổ chức Hội nghị toàn thể APA lần thứ 9.
Từ đó đến nay, Ủy ban thường trực APA đã có nhiều hoạt động tại nhiều nước thành viên, thảo luận và đề ra nhiều giải pháp về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực./.
Theo TTXVN