Vĩnh Phúc: Hỗ trợ cán bộ viên chức thôi việc theo nguyện vọng

08:10, 27/10/2017

HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã chính thức thông qua Nghị quyết về hỗ trợ công chức, viên chức và lao động hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng.

Theo đó, ngoài được hưởng các chế độ thôi việc theo quy định của pháp luật hiện hành, công chức, viên chức và lao động hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng còn được tỉnh hỗ trợ 1 lần với mức 500 nghìn đồng/tháng công tác, tương ứng 6 triệu đồng/năm công tác. Như vậy, người có thời gian lao động, công tác từ 20 đến 25 năm khi thôi việc theo nguyện vọng có mức hỗ trợ 120 đến 150 triệu đồng.

Đến nay, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã hoàn thành Đề án tinh giản biên chế. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án 01 về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đơn vị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021.

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh, ngoài các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Vĩnh Phúc còn có 890 đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý dự án, quỹ; 1.493 tổ chức hội các cấp. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 28.548 biên chế. Trong đó, khối Đảng, đoàn thể 1.126 người; khối chính quyền 27.422 người.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức các cơ quan Đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp theo hướng tinh gọn. Nhiều nhiệm vụ được thực hiện đúng, vượt kế hoạch. Các cơ quan khối Đảng, đoàn thể ở cấp tỉnh đã sắp xếp giảm 7 phòng.

Bình Định: Nâng tầm giá trị gốm cổ

Trong 2 ngày 27, 28-10, tại Thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Gốm cổ Bình Định - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long - Đại Việt (thế kỷ XI-XV)”.

Hội thảo lần này sẽ có sự tham gia của nhóm học giả, chuyên gia quốc tế đến từ Nhật Bản, Phi-líp-pin, Pháp, Đài Loan (Trung Quốc)… Các học giả sẽ trình bày những công trình nghiên cứu về gốm cổ Bình Định.

Hội thảo sẽ tập trung làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của các trung tâm sản xuất gốm cổ ở tỉnh Bình Định và chủ nhân của các lò gốm này. Loại hình, đặc trưng, niên đại và vai trò của gốm Bình Định trong đời sống văn hóa, xã hội Chăm-Pa và Đại Việt. Vai trò và vị thế của gốm cổ Bình Định trong hệ thống thương mại biển châu Á và trong bối cảnh giao lưu kinh tế - văn hóa với các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Các chuyên gia, học giả quốc tế sẽ tiếp tục làm sáng tỏ mối quan hệ của vương quốc Vijaya (Vijaya là tên gọi của một trong bốn địa khu/vùng/tiểu quốc của Chăm-Pa, đồng thời cũng là tên kinh đô của Chăm-Pa) với kinh đô Thăng Long - Đại Việt và các vương quốc Đông Nam Á, châu Á trong lịch sử…

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com