Tuyên Quang: Khởi công xây dựng cầu Tình Húc

08:10, 03/10/2017

UBND tỉnh Tuyên Quang vừa tổ chức Lễ khởi công xây dựng Dự án cầu Tình Húc và 2 tuyến đường dọc bờ sông Lô, Thành phố Tuyên Quang.

Cầu Tình Húc nối phường Hưng Thành và phường Nông Tiến nhằm kết nối giao thông, tăng cường cơ sở hạ tầng phát triển Thành phố Tuyên Quang lên đô thị loại II cũng là công trình quan trọng để phát triển đô thị, du lịch của thành phố, từng bước hoàn chỉnh và hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Lễ khởi công xây dựng cầu Tình Húc và 2 tuyến đường dọc 2 bờ sông Lô (TP. Tuyên Quang) diễn ra sáng 1/10
Lễ khởi công xây dựng cầu Tình Húc và 2 tuyến đường dọc 2 bờ sông Lô (TP. Tuyên Quang) diễn ra sáng 1-10.

Cầu Tình Húc được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông, cốt thép dự ứng lực, là cầu cấp I, có tổng chiều dài trên 907m, mặt cầu rộng 16,5m tại vị trí nhịp dẫn, 19,5m tại vị trí nhịp giữa cầu, gồm 4 làn xe. Tại vị trí giữa cầu có 2 nhánh cầu dẫn rẽ xuống soi Tình Húc và đi từ soi lên cầu. Cầu gồm 8 nhịp chính, sử dụng dầm cáp hỗn hợp Extradosed, 5 trụ tháp cao 29m hình bó đuốc biểu tượng cho ngọn lửa của tỉnh Tuyên Quang... Tổng mức đầu tư dự án cho cả 2 giai đoạn vào trên 852 tỷ đồng và thời gian thực hiện 2017-2020.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường dọc 2 bên bờ sông Lô của Thành phố Tuyên Quang có tổng chiều dài toàn tuyến là trên 7,9km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố nội bộ khu vực đô thị, bề rộng nền đường từ 5,5-21m tùy từng đoạn. Tổng mức đầu tư dự kiến của công trình khoảng trên 435 tỷ đồng, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng và vốn đầu tư cân đối ngân sách địa phương, thời gian thực hiện từ năm 2017-2020, thuộc loại công trình cấp III, UBND Thành phố Tuyên Quang làm chủ đầu tư.

Thừa Thiên - Huế: Hơn 170 công trình thuộc Cố đô Huế được bảo tồn, trùng tu

Giai đoạn từ 1996-2017, tổng nguồn vốn đầu tư trùng tu hệ thống di tích Cố đô Huế đạt hơn 1.460 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2010-2017 đạt hơn 933 tỷ đồng.

Các công trình đã được bảo tồn, tu bổ đã góp phần khép lại không gian hoang phế, đổ nát ở Kinh thành, Hoàng thành, các đàn, miếu và một số lăng vua triều Nguyễn. Tiêu biểu là các di tích: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm các, cụm di tích Thế Miếu, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, điện Long An, tổng thể đàn Nam Giao, lăng Gia Long, chùa Thiên Mụ, cung An Định, 10 cổng Kinh thành Huế…

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu như: Gạch lát nền trong di tích; hệ thống giếng cổ trong di tích; hệ thống lịch sử xây dựng các công trình kiến trúc triều Nguyễn”; sưu tầm sắc phong triều Nguyễn. 

Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài đã hỗ trợ trùng tu di tích Cố đô Huế. Điển hình, Quỹ Toyota Nhật Bản tài trợ cho hơn 10 đề tài nghiên cứu khoa học của các cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với kinh phí khoảng 100 nghìn USD. Các tổ chức như Fulbright Program, Ford Foundation (Hoa Kỳ), Đại học NewYork, Tập đoàn Rhone Polenc (Pháp), Japan Foundation, Đại học Waseda, JICA, ACCU (Nhật Bản), Korea Foundation… tài trợ cho cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tham gia các chương trình đào tạo và khảo sát tại một số nước có kinh nghiệm về công tác quản lý và bảo tồn nhằm nâng cao năng lực quản lý và bảo tồn di sản./.

Theo dangcongsan.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com