Phát biểu tại Hội nghị thường niên Hiệp hội các khu công viên khoa học châu Á (ASPA) lần thứ 21, diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 19 đến 21-10, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết định hướng của thành phố là phát triển thêm nhiều công viên khoa học, nhằm hướng đến hình thành khu đô thị khoa học công nghệ.
Thu hút, phát triển các doanh nghiệp lớn, tập đoàn công nghệ, trung tâm nghiên cứu phát triển. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ cao. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu về kinh tế và khoa học - công nghệ.
Giai đoạn 2011-2015, lĩnh vực khoa học và công nghệ của thành phố tăng trưởng 16,9%, cao nhất trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 33,1%, cao hơn mức bình quân cả nước là 29%, trong đó khoa học công nghệ chiếm khoảng 70%.
Riêng lĩnh vực công nghệ cao, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đã thu hút được 130 dự án với tổng mức đầu tư đạt 6,8 tỷ USD, giá trị gia tăng sản phẩm công nghệ cao đạt trung bình 28%.
Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực xúc tiến thành lập công viên khoa học công nghệ với quy mô 200ha, tổng mức đầu tư 4.300 tỷ đồng triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra các sản phẩm công nghệ xanh, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, công nghệ vũ trụ…
Hà Nội: Tuyên dương 141 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số
Ban Dân tộc Thành phố Hà Nội phối hợp với Sở GD và ĐT vừa tổ chức tuyên dương 141 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu năm 2017.
Những năm qua, cùng với các chính sách của Trung ương, Hà Nội đã ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển toàn diện vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt. Tại 14 xã vùng dân tộc miền núi, thành phố đã dành hơn 600 tỷ đồng để đầu tư 50 dự án thuộc lĩnh vực GD và ĐT và dự kiến bố trí 328 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 35 dự án trong giai đoạn 2016-2020. Đến nay, địa bàn 14 xã vùng dân tộc miền núi của thành phố có 22 trường tiểu học, 17 trường THCS và 3 trường THPT, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú...
Sự quan tâm, đầu tư cho phát triển GD và ĐT ở vùng dân tộc, miền núi của thành phố đã thúc đẩy việc dạy và học trong các nhà trường, khơi dậy ý thức vươn lên của thế hệ trẻ. Học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Nội đã nỗ lực vượt khó, phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao trong học tập.
Tại buổi lễ đã có 15 sinh viên học giỏi trên địa bàn thành phố được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen; 8 học sinh đoạt giải cấp quốc gia, thành phố được Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen; 54 học sinh đoạt giải cấp quận, huyện, thị xã và 64 em đỗ đại học từ 25 điểm trở lên được Trưởng Ban Dân tộc thành phố tặng Giấy khen…
Quảng Nam: Khánh thành Khu di tích Đặc Khu ủy Quảng Đà
Sáng 20-10, tại núi Hòn Tàu thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức lễ khánh thành Khu di tích Đặc Khu ủy Quảng Đà.
Hòn Tàu là dãy núi giáp ranh giữa các huyện Duy Xuyên, Nông Sơn và Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Với vị trí chiến lược, nơi đây đã được Đặc Khu ủy Quảng Đà chọn làm căn cứ cách mạng trong 8 năm cuối cuộc chiến chống Mỹ (1967-1975).
Căn cứ Hòn Tàu là nơi quân và dân ta chịu nhiều hy sinh, mất mát. Nhiều đồng chí là lãnh đạo Đặc Khu ủy và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Đặc biệt, có 10 cán bộ, nhân viên của Ban Tuyên huấn hy sinh do bị bom B52 của Mỹ đánh sập nơi ở và làm việc vào sáng 22-5-1972.
Mặc dù chịu nhiều hy sinh, mất mát, cán bộ, chiến sĩ Đặc Khu ủy Quảng Đà vẫn vững vàng tiếp tục thực hiện việc chỉ đạo các cuộc tiến công chiến lược, quyết định nhiều chủ trương quan trọng, hợp đồng chặt chẽ với các cánh quân chủ lực giải phóng các huyện phía Tây của tỉnh Quảng Nam, tạo thế gọng kìm, góp phần hoàn thành chiến dịch giải phóng Đà Nẵng năm 1975.
Năm 2012, di tích Hòn Tàu được Bộ VH, TT và DL xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia.
Sau khi có quyết định xếp hạng di tích, Sở VH, TT và DL tỉnh Quảng Nam đã lập hồ sơ trình Bộ VH, TT và DL phê duyệt và triển khai lập dự án phục dựng di tích.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, đến nay Khu di tích Đặc Khu ủy Quảng Đà cơ bản đã hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Đặc Khu ủy (tháng 10-1967 - tháng 10-2017)./.
Theo chinhphu.vn