Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, toàn tỉnh hiện có 28 KCN với tổng diện tích trên 10.550ha, 39 chủ đầu tư hạ tầng. Đến nay, có 16 KCN đi vào hoạt động, diện tích đất chuyển nhượng hoặc cho thuê tính đến nay là trên 1.900ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 68,4%.
Theo đó, từ khi thành lập đến nay, các KCN của tỉnh Long An đã thu hút được 1.262 dự án. Trong đó, có 539 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 723 dự án đầu tư trong nước. Vốn đầu tư theo đăng ký của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 3.274 triệu USD và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước là 61.604 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 351 dự án thuê nhà xưởng với tổng diện tích nhà xưởng 1.151.224m2.
Khu công nghiệp Long Hậu - Long An. |
Các KCN của tỉnh Long An đã thu hút đầu tư tăng dần qua các năm, doanh thu và nộp ngân sách theo đó cũng tăng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng có nhiều tăng trưởng đáng khích lệ, nhất là đối với những doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài có quy mô vốn đầu tư lớn và sử dụng công nghệ tiên tiến.
TP Hồ Chí Minh: Có thêm 7 tour du lịch đường sông
Tổng Cty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) vừa ra mắt 7 tour du lịch đường sông mới tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Các tour bao gồm: Tour du lịch miền Đông (Tân Cảng - Bình Dương - Bến Đình) và tour Tân Cảng - Bình Dương - Khu du lịch sinh thái cá Koi Hải Thanh. Kế đến là tour tham quan rừng ngập mặn Tân Cảng - Cần Thạnh (Cần Giờ) với thời gian hoạt động từ 7h và kết thúc 16h40 các ngày trong tuần. Tour du lịch xanh (Tân Cảng - Bán đảo Thanh Đa Bình Quới) với thời gian hoạt động từ 16h và kết thúc lúc 20h các ngày thứ bảy, chủ nhật, cũng như các ngày lễ. Tour tham quan Địa đạo Củ Chi (Tân Cảng - Bến Thành) với thời gian hoạt động từ 7h30 và kết thúc 14h các ngày trong tuần, bao gồm thời gian đi và về, tham quan Địa đạo Bến Đình, ăn trưa tại Làng Du lịch Bình Quới. Tour thứ 6 có tên “Tour du lịch nhà vườn”, từ Tân Cảng đến Long Phước (quận 9), với thời gian hoạt động từ 8h-16h từ thứ ba đến chủ nhật hằng tuần. Tour thứ 7 mang tên “Du lịch hạ nguồn sông Sài Gòn” (khởi hành từ Tân Cảng đến Vàm Sát). Thời gian hoạt động từ 7h và kết thúc 15h30 các ngày trong tuần.
Đồng Nai: Xử lý ô nhiễm nguồn nước mặt
Hơn 1.000 tỷ đồng là nguồn vốn để tỉnh Đồng Nai đầu tư cho cải tạo nguồn nước mặt, thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết. Nguyên nhân là do hiện nay diện tích nước mặt trên các sông suối, kênh mương chảy qua các khu đô thị của tỉnh này bị ô nhiễm nặng.
Theo đó, từ nay đến năm 2020, để cải tạo được 50% kênh mương, sông suối chảy qua đô thị bị ô nhiễm, tỉnh Đồng Nai sẽ phải chi hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, có 2 địa bàn cần nguồn vốn lớn để thực hiện là Thành phố Biên Hòa cần khoảng 520 tỷ đồng để nạo vét suối Chùa, suối bà Lúa, suối Cầu Quan...; huyện Nhơn Trạch cần khoảng 376 tỷ đồng để làm tuyến thoát nước từ KCN Nhơn Trạch 1 ra rạch Bà Ký và tuyến thoát nước dải cây xanh ra rạch Vũng Gấm.
Nguồn vốn trên dự kiến từ ngân sách tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai còn sử dụng nguồn vốn ODA từ dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải Thành phố Biên Hòa giai đoạn 1 để cải tạo suối Săn Máu, suối Linh, rạch Biên Hùng và rạch Diên Hồng.
Liên quan đến cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn tỉnh để hạn chế khai thác nước ngầm tại địa bàn huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Đồng Nai, Cty cổ phần cấp nước Đồng Nai hiện đang tiếp tục triển khai lắp đặt các tuyến ống để cung cấp nước cho các khu vực dân cư ở thị trấn, các xã dọc theo Quốc lộ 51 và xã Bình Sơn./.
Theo dangcongsan.vn