Kon Tum: Phát triển 1.000ha sâm Ngọc Linh

08:10, 10/10/2017

Hội Sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum đề ra mục tiêu đến năm 2022 phát triển được 1.000ha sâm trồng theo quy hoạch, bảo đảm tính chất, chất lượng sâm củ theo tiêu chuẩn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”.

Cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước các sản phẩm sâm củ và từ 3-5 loại sản phẩm chế biến từ sâm củ mang chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” và nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Vườn sâm của Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Vườn sâm của Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Hội cũng đề ra mục tiêu xây dựng thành công thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia sâm Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để đạt được mục tiêu trên, một số giải pháp đã được đưa ra như xây dựng tổ chức Hội bảo đảm hoạt động hiệu quả; phát triển diện tích trồng sâm của hội viên trong vùng quy hoạch theo mục tiêu đề ra; tư vấn, hỗ trợ hội viên trong việc lựa chọn giống, áp dụng quy trình kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến bảo đảm chất lượng sâm củ; hỗ trợ hội viên vay vốn mở rộng diện tích trồng sâm; tiếp thu công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến.

Ngoài ra, Hội sẽ quản lý, sử dụng có hiệu quả chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ và “Nhãn hiện chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum” cho sâm củ và sản phẩm chế biến; xây dựng và phát triển kênh tiêu thụ. Thường xuyên tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển danh tiếng và nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm. Tham gia với các cơ quan Nhà nước trong xây dựng các văn bản pháp luật và quản lý; đấu tranh ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến danh tiếng và giá trị của sâm Ngọc Linh Kon Tum.

TP Hồ Chí Minh: Giao ban định kỳ hằng tháng về an toàn thực phẩm

Nhằm tiếp tục triển khai Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP), trong những tháng cuối năm 2017, UBND thành phố sẽ tổ chức giao ban định kỳ hằng tháng với 24 quận, huyện về ATTP.

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích các buổi giao ban định kỳ nhằm đánh giá các công việc đã triển khai và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác đảm bảo ATTP; tăng cường thanh tra, kiểm tra ATTP và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; tổ chức “Diễn tập xử lý, điều tra ngộ độc thực phẩm tập thể có quy mô lớn”; đẩy mạnh hoạt động quảng bá đối với sản phẩm thực phẩm an toàn, sản phẩm thuộc “chuỗi thực phẩm an toàn”; giới thiệu, thông tin rộng rãi về “chuỗi thực phẩm an toàn”.

Thành phố cũng sẽ công khai thông tin sản phẩm và cơ sở có sản phẩm không đảm bảo ATTP để người tiêu dùng nhận biết; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP, GMP), cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP, đặc biệt không sử dụng chất cấm, chất bảo quản, phụ gia, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục; tổ chức kết nối và mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm VietGAP đến nhiều hệ thống phân phối; triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, các cơ sở tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục được phép sử dụng…

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com