Từ ngày 25-9 đến ngày 3-10, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã thành lập đoàn kiểm tra toàn diện công tác biên phòng năm 2017 tại các đồn biên phòng tuyến núi trực thuộc.
Thời gian qua, các đồn biên phòng tuyến núi trực thuộc đã thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tích cực tham gia có hiệu quả công tác xây dựng củng cố cơ sở chính trị trên địa bàn, thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới. Làm tốt công tác đối ngoại biên phòng, duy trì chương trình kết nghĩa bản - bản. Quan tâm đầu tư tạo bước chuyển biến về nền nếp chính quy, củng cố cơ sở vật chất, tạo cảnh quan môi trường đơn vị xanh, sạch, đẹp. Tích cực đẩy mạnh tăng gia sản xuất cải thiện đời sống cho bộ đội, chấp hành nghiêm pháp luật, luật lệ an toàn giao thông...
Phát huy kết quả, kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Các đơn vị tổ chức quán triệt sâu sắc, đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và hướng dẫn của cơ quan nghiệp vụ; bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và nhiệm vụ của địa phương, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện thực tế để xây dựng đơn vị, gắn với tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Quảng Nam: Giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho người dân có nhu cầu
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho người dân địa phương có nhu cầu thực sự từ đất rừng phòng hộ, đặc dụng đã điều chỉnh sang đất rừng sản xuất theo quy định và từ diện tích đất lâm nghiệp hiện do UBND xã quản lý để nhân dân có đất sản xuất, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, các địa phương tiến hành rà soát lại thực tế giao đất lâm nghiệp cho nhân dân trên địa bàn để xem xét điều chỉnh giảm diện tích quá lớn của một số hộ gia đình sang cho các hộ có diện tích ít, nhân khẩu nhiều, gia đình khó khăn hoặc các hộ thực tế có nhu cầu nhưng chưa được giao đất lâm nghiệp.
Các công việc này phải được thực hiện và báo cáo kết quả về UBND tỉnh Quảng Nam trước ngày 30-11-2017.
Theo ông Thanh, công tác giao đất, giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được các cấp, ngành quan tâm triển khai và đạt được kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều địa phương, diện tích rừng chưa giao hiện do UBND xã quản lý vẫn còn tương đối nhiều, một bộ phận hộ gia đình sống trên đất rừng, gần rừng vẫn còn thiếu đất sản xuất hoặc chưa được giao đất rừng để sản xuất dẫn đến tình trạng đất rừng bị xâm lấn, rừng bị chặt phá và khai thác trái phép để lấy đất sản xuất, làm nương rẫy…
Đắk Lắk: Bệnh truyền nhiễm gia tăng mạnh
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm như: Viêm phổi, ho gà, tay chân miệng... đang gia tăng mạnh trên địa bàn.
Từ đầu năm đến cuối tháng 9, Đắk Lắk ghi nhận 1.300 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 500 ca so với cùng kỳ năm 2016; trong đó số ca mắc tập trung nhiều tại Thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar và Buôn Đôn.
Ngoài bệnh tay chân miệng, mỗi ngày có khoảng 40 ca mắc các bệnh hô hấp nhập viện Khoa Nhi tổng hợp, trong đó chủ yếu là bị viêm phổi và viêm phổi nặng nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Hầu hết các ca viêm phổi nặng đều rơi vào trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi, trong đó một số trường hợp phải thở máy. Trước nguy cơ gia tăng các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các Trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm đến người dân; phát hiện sớm ca bệnh; khoanh vùng, kịp thời xử lý triệt để từng ca bệnh, ổ bệnh. Các đơn vị trong ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với ngành GD và ĐT, các ngành liên quan nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh tay chân miệng tại trường mầm non, nhà trẻ, xã, phường, thôn, buôn và hộ gia đình...
Theo dangcongsan.vn