Ngày 30-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội dành trọn 1 ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Trong buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; xác định các nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại, yếu kém, chỉ ra những lực cản và kiến nghị các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tiến trình cải cách trong thời gian tới.
Trước khi các đại biểu thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Báo cáo cho biết, Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát thực tế, nghiên cứu tài liệu, làm việc trực tiếp tại các cơ sở được giám sát ở Trung ương, địa phương, Đoàn đã xây dựng báo cáo trình Quốc hội.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. Ảnh: ĐBND |
Đa số các đại biểu đều đồng tình cao với nội dung báo cáo giám sát về kết quả cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày trước Quốc hội, đồng thời nhấn mạnh tính cấp thiết, khách quan trong việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính, đồng thời đề xuất một loạt giải pháp liên quan đến việc rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về tổ chức bộ máy, đánh giá cán bộ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương công vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng Chính phủ điện tử,... nhiều ý kiến đại biểu đặc biệt nhấn mạnh đến việc xử lý nghiêm cán bộ công chức sai phạm, “vô cảm”, kỷ luật công vụ không nghiêm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế không đạt yêu cầu.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong xây dựng Chính phủ điện tử; đồng thời kiến nghị khẩn trương xây dựng hoàn thiện áp dụng đồng bộ Chính phủ điện tử. Các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, rà soát đề án vị trí việc làm sát thực tế và có lộ trình thực hiện. Có tiêu chí đánh giá cán bộ dựa trên năng lực, việc làm để có cơ sở để sắp xếp tinh giản biên chế. Tinh giản tối đa bộ máy, khẩn trương chuyển các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ tự chịu trách nhiệm để áp dụng ngân sách. Rà soát các đơn vị chỉ để lại các đơn vị thực sự cần thiết không thể giao cho tư nhân, giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả. Quy định cụ thể vai trò vị trí chức năng nhiệm vụ của các tổ chức, các thôn, tổ dân phố để xác định rõ số lượng và cơ chế quản lý, chế độ phụ cấp hợp lý. Xây dựng cơ chế tương tác của người dân với hệ thống hành chính quốc gia. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá hiệu lực, hiệu quả của cải cách bộ máy hành chính, xây dựng nền hành chính kiến tạo, phục vụ.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; theo đại biểu, mặc dù quy định về tổ chức bộ máy ở địa phương là rất cụ thể, chi tiết với yêu cầu rất ngặt nghèo là chấp hành, nhưng không gắn với yêu cầu cuối cùng là nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý, thực thi nhiệm vụ. Vì thế, khi những khó khăn, phức tạp, yếu kém, buông lỏng quản lý nảy sinh thì chúng ta lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, có chỗ đổ thừa cho quy định cấp trên. Tức là, chúng ta chưa thực sự gắn được trách nhiệm của chính quyền địa phương với việc đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính cấp tỉnh và cấp Trung ương...
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) tham luận về các giải pháp chấn chỉnh tình trạng cấp phó vượt quy định, “lạm phát” lãnh đạo; tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu đề ra; đẩy mạnh phân cấp phân quyền giữa Trung ương và địa phương; xây dựng luật không tăng biên chế, tổ chức; sắp xếp, điều chỉnh hợp lý cán bộ dư thừa; xử lý nghiêm sai phạm, tránh tình trạng nể nang...
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu tình trạng các VBQPPL về nội dung chuyên môn “lấn sân” sang các văn bản quy định về tổ chức bộ máy. Thông qua các quy định về chuyên môn đã có hiện tượng quy định việc thành lập một loạt các tổ chức bộ máy mới từ Trung ương xuống địa phương; tình trạng thành lập cấp phòng trong các vụ chuyên môn; nâng cấp vụ lên cục... Đề cập đến thực trạng tổ chức bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, đại biểu cho rằng nguyên nhân là do thiếu sự cương quyết, còn nể nang khi ban hành các Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động của các bộ. Chỉ rõ, hiện nay, Nghị định về cơ cấu tổ chức của bộ nào lại do chính bộ đó soạn thảo và trình Chính phủ, đại biểu đề nghị, cần tập trung trách nhiệm và nâng cao hơn nữa vai trò của Bộ Nội vụ trong việc giúp Chính phủ chuẩn bị và trình dự thảo Nghị định, các bộ khác chỉ nên tham gia, phối hợp. Có như vậy mới giữ nghiêm được kỷ luật trong vấn đề này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh sự cần thiết trong việc đổi mới cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, chỉ ra những bất cập trong tổ chức bộ máy hiện hành, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát các VBQPPL về tổ chức bộ máy, thiết kế lại toàn bộ bộ máy của hệ thống chính trị, chuẩn hóa các quy trình, đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng Nhà nước không làm những việc xã hội có thể làm được; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ minh bạch, cụ thể; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh nhất thể hóa một số chức danh gắn với trách nhiệm, quyền lợi; hợp nhất các xã, huyện không đủ tiêu chuẩn...
Đại biểu Phạm Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng tinh giản biên chế, bộ máy là yêu cầu khách quan và cấp thiết, tuy nhiên kết quả đạt được còn hạn chế, cho rằng nguyên nhân vẫn do người đứng đầu buông lỏng lãnh đạo, chưa quyết liệt thực hiện, kỷ luật công vụ chưa nghiêm... Đại biểu đề xuất giải pháp khẩn trương rà soát quy định về tổ chức các bộ, ngành giảm cấp trung gian, giảm đầu mối, biên chế; kiên quyết sắp xếp lại, giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả, hợp nhất các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan Nhà nước; kiểm điểm, xử lý nghiêm các sai phạm, công khai kết quả xử lý để nhân dân giám sát...
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu về vấn đề chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế cả về chuyên môn và văn hóa pháp lý, đề nghị bổ sung giải pháp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và văn hóa pháp lý của đội ngũ công chức. Về tinh giản biên chế, đại biểu cho rằng cần rà soát, hoàn thiện hệ thống VBQPPL, có tiêu chí đánh giá, phân loại cụ thể từng cán bộ, công chức, tổ chức để tiến hành tinh giản đúng người, tinh gọn bộ máy...
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ thời gian qua, nhưng đại biểu cho rằng tiến trình cải cách đang đứng trước nhiều thử thách, trở lực cần phải vượt qua, do vậy cần đề cao tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cải cách trong thời gian tới. Theo đó, đại biểu đề nghị xử lý nghiêm các khuyết điểm, sai phạm, buông lỏng quản lý, tình trạng “vô cảm”... của người đứng đầu ở địa phương, nhất là sai phạm làm nhân dân bức xúc (đại biểu lấy ví dụ vụ cà phê Xin Chào; cống nước ở Quán Thánh, Hà Nội; Phó Chủ tịch quận I, TP Hồ Chí Minh chống lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè).
Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng việc giao biên chế còn chưa sát thực tế, lấy dẫn chứng nhiều bộ, ngành còn dư biên chế được giao (tại các tổng cục, cục, vụ), đại biểu đề nghị cần đổi mới mạnh mẽ việc giao biên chế, tránh cơ chế xin cho, thống nhất cơ quan quản lý biên chế.
Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) đề nghị làm rõ “địa chỉ” ai, ở đâu còn chưa kiên quyết, còn cục bộ trong ngành, địa phương khi tiến hành cải cách bộ máy hành chính Nhà nước; đại biểu kiến nghị xác định rõ mục tiêu “xây dựng nền hành chính vì dân”, bố trí cán bộ cơ sở phù hợp cả về đạo đức, trình độ, có chế độ đãi ngộ thích hợp; đề nghị lãnh đạo Trung ương dành nhiều thời gian đi cơ sở để nắm bắt thực tiễn và chỉ đạo xử lý những bất cập kịp thời, hạn chế tình trạng chính sách ban hành thiếu tính thực tiễn, khả thi; đồng thời phải có giải pháp phân cấp triệt để cho địa phương, làm rõ phần việc nào của Trung ương, phần việc nào của địa phương, có quy định pháp luật cụ thể; đề nghị khi ban hành chính sách phải bố trí nguồn lực, tránh tình trạng chính sách ban hành nhưng không đi vào thực tế vì thiếu nguồn lực thực thi...
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng kết quả cải cách tổ chức bộ máy tuy đã đạt nhiều kết quả nhưng chưa vững chắc, đại biểu phân tích tình trạng cấp trên “ôm đồm”, cấp dưới “đẩy việc” lên cấp trên, việc gì cũng xin phép, dẫn đến quá tải ở Trung ương, cấp dưới bị động, ỷ lại, cơ chế xin cho bị lạm dụng, cơ chế trách nhiệm không rõ ràng, và cuối cùng công việc của dân, của nước bị ách tắc...
Nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát hệ thống VBQPPL để quy định thống nhất về tổ chức bộ máy; quy định biên chế cấp tỉnh phải dựa trên cơ sở quy mô dân số và đặc thù của địa phương, đặc thù mô hình chính quyền đô thị, nông thôn, nông thôn miền núi; thận trọng khi tiến hành sáp nhập các cơ quan, tránh điệp khúc “tách nhập, nhập tách”, “tách ra là để chuyên sâu/ nhập vào là để giảm đầu mối đi”...
Đồng thời, cần có quy định phù hợp về biên chế cấp xã, sử dụng cán bộ linh hoạt, thực hiện chế độ kiêm nhiệm, một người có thể đảm nhiệm nhiều công việc; đề nghị cần thảo luận sâu hơn về việc quy định tổ chức, bộ máy trong các VBQPPL chuyên ngành vì đã quy định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền thì phải có bộ máy thực hiện, nhất là những vấn đề chưa có luật nào quy định; bên cạnh đó, cần cải cách tiền lương trong thời gian tới...
Các đại biểu cho rằng, cần tiến hành phân loại, đánh giá cụ thể về đội ngũ cán bộ, công chức làm cơ sở cho việc tinh giản biên chế, tránh tình trạng giữ lại người kém, cho ra ngoài bộ máy những người giỏi, “ngồi nhầm chỗ, tuyển nhầm người”;...
Bên cạnh đó, phải chỉ rõ cấp trung gian là cấp nào (tổng cục, cục hay vụ, phòng trong vụ) để giảm cấp trung gian; có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm khắc công chức vi phạm đạo đức công vụ, chuẩn mực nghề nghiệp; bên cạnh đó cần xây dựng quy định cụ thể về các chức danh lãnh đạo không phải là người địa phương (bí thư, chủ tịch, tòa án, kiểm sát, công an);...
Nhiều đại biểu góp ý về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; đề nghị phải rõ ràng về phân công quyền lực; cân đối nguồn lực thực thi; hai là, xây dựng thể chế nhân sự để “đong đếm được số lượng, chất lượng cán bộ”; đại biểu cho rằng việc tuyển chọn nhân sự, đặc biệt là cán bộ cấp cao là “gốc rễ của mọi vấn đề”... qua đó đề xuất cơ chế để trên có Ban chỉ đạo xứng tầm để triển khai thực hiện; hai là phải chuẩn hóa tiêu chí đánh giá từ cán bộ đến công chức để rõ người, rõ việc, rõ đánh giá; tiếp đó phải đổi mới phải phương thức đánh giá cán bộ, công chức; quản lý chặt nhóm cán bộ, công chức chủ chốt; cơ chế thu hút, bồi dưỡng, tận dụng, đãi ngộ tài năng đối với những người có tài, có đức vào cơ quan Nhà nước; tiết kiệm trong chi thường xuyên;...
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần làm rõ nguyên nhân về phân cấp, phân quyền chưa đạt như yêu cầu về Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp đặt ra. Một mặt do tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành chưa đạt được như các địa phương. Mặt khác do quy định pháp luật về trách nhiệm chưa tương thích với quyền lợi, trách nhiệm của người đứng đầu, hoặc bộ phận công chức, chuyên viên mà bộ phận đó mang lại. “Đề nghị cần phân tích thẳng thắn thấy việc chậm vì sao”, đại biểu yêu cầu.
Lý do thứ hai là do địa phương có tính ỷ lại, thiếu chủ động, các bộ, ngành chưa lắng nghe ý kiến, kiến nghị ở các địa phương. “Có thực tế các địa phương đã đề nghị được phân cấp, có chứng minh rõ lý do vì sao cần phân cấp, nhưng bộ, ngành chưa lắng nghe vấn đề này”, đại biểu cho biết. Thêm một vấn đề nữa được đại biểu chỉ ra, đó là sự thiếu tôn trọng thực tiễn, đánh giá các điều kiện đủ. “Tôi cho rằng có tư tưởng cào bằng, cầu toàn, cho nên thực hiện vấn đề này chưa tốt”, đại biểu nói.
Chính vì vậy, để việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền đi sát với quy định pháp luật, theo đúng chủ trương của Đảng, đại biểu đề nghị, chính quyền địa phương cần có sự chủ động đề xuất, kiến nghị được phân cấp cụ thể. Chính quyền địa phương phải chứng minh cho được năng lực, chứng minh được sự đổi mới của mình trong tư duy trong quản lý. Chính phủ, bộ, ngành phải chủ động phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, đánh giá đúng tình hình năng lực chính quyền địa phương để phân cấp. Chính phủ cùng bàn luận với địa phương để xem phân cấp vấn đề gì. Cần giám sát việc thi hành pháp luật để xem pháp luật có được thực thi đúng không...
PV