Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý, bảo vệ rừng

07:10, 16/10/2017

Ngày 14-10-2017, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về bảo vệ và phát triển rừng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; thành viên BCĐ Trung ương về bảo vệ phát triển rừng. Dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị hữu quan của tỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu

Thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bằng nhiều cơ chế, chính sách mới và sự tham gia của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng lên, hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người trồng rừng. Từ năm 2017, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN và PTNT đã hướng dẫn các địa phương chấm dứt khai thác gỗ rừng tự nhiên; việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên được giám sát chặt chẽ, công tác thanh tra, kiểm tra quản lý, bảo vệ rừng tại các địa phương được tăng cường; ngăn ngừa, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi phá rừng trái phép được các cấp, ngành quan tâm hơn... Tuy nhiên, tình hình phá rừng tự nhiên ở một số địa phương, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Nghệ An, Bắc Kạn, Điện Biên có diễn biến phức tạp, chậm bị phát hiện, xử lý thiếu kiên quyết; một số chủ rừng còn buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, không báo cáo trung thực, trồng lại rừng đối với diện tích rừng đã phá; sự phối hợp giữa các cấp và ngành chức năng trong điều tra, xử lý vi phạm thiếu chặt chẽ, còn để kéo dài…

Tỉnh Nam Định có hơn 10.800ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trong đó có hơn 3.100ha rừng, chủ yếu là rừng ngập mặn và phi lao tập trung ở ven biển. Năm 2017, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và chủ rừng về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và gây nuôi động vật hoang dã. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã trồng 33ha rừng phòng hộ, chăm sóc 146ha rừng và trồng trên 400 nghìn cây phân tán; phát hiện và xử lý 11 vụ vi phạm, trong đó có 2 vụ đưa trái phép các phương tiện, công cụ cơ giới vào rừng, 9 vụ phá rừng trái pháp luật, thu nộp ngân sách gần 54 triệu đồng.

Tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương đã tham luận về thực trạng và đề xuất giải pháp, kiến nghị… nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2017 công tác quản lý, bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nhất là chủ trương xã hội hóa nghề rừng, tạo sinh kế sinh cho một bộ phận người dân sống trong rừng, ven rừng, nhiều địa phương đã từng bước làm giàu từ rừng. Tuy nhiên, thực trạng quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là một số giải pháp bảo vệ rừng chưa có tính khả thi cao, vi phạm về bảo vệ rừng vẫn thường xuyên xảy ra. Để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%, diện tích rừng các loại đạt 14,4 triệu ha, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nghiêm túc thực hiện đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên; kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, không tự ý cải tạo rừng nghèo khi chưa có kiểm tra đánh giá; chống chặt phá rừng trái pháp luật; phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm, nhất là đối với một số địa phương đã có kết luận thanh tra, kiểm tra để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển. Bộ NN và PTNT tiếp thu, phân loại các ý kiến kiến nghị của các địa phương, đề xuất các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng trình Thủ tướng Chính phủ./.

Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com