Tin từ Sở Y tế Hà Nội, đến ngày 13-9, dịch sốt xuất huyết đã giảm trên địa bàn Hà Nội. Trong tuần qua, thành phố đã ghi nhận 2.325 trường hợp, giảm 475 trường hợp so với tuần trước và giảm 1.244 trường hợp so với tuần cao điểm.
Sở Y tế Hà Nội nhận định số ca mắc sốt xuất huyết có giảm so với hai tuần đầu tháng 8 nhưng dự báo dịch vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng ca mắc mới, nhất là khi thời tiết mưa nhiều và học sinh, sinh viên bắt đầu vào năm học mới.
Để phòng chống dịch sốt xuất huyết, các quận, huyện đang tiếp tục vận động, tuyên truyền về phòng, chống dịch; triển khai tổng vệ sinh môi trường tại các khu vực công cộng, các hộ dân cư, hộ kinh doanh, các trường học, công trường,… MTTQ quận, các đoàn giám sát cơ sở tăng cường chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra, giám sát việc phun thuốc diệt muỗi, bọ gậy… Các quận, huyện tăng cường lực lượng xung kích từ các trường đại học, tại phường, xã cùng tham gia công tác phòng, chống dịch.
Hà Giang: Xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc thù
Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có địa hình chia cắt mạnh đã tạo nên nhiều tiểu vùng khí hậu và các yếu tố thổ nhưỡng khác nhau. Điều đó đã tạo cho Hà Giang nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc thù và là đặc sản của các vùng miền trong tỉnh.
Có thể kể đến một số sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc sản của Hà Giang đã được xây dựng Chỉ dẫn địa lý như cam sành Hà Giang, mật ong bạc hà Mèo Vạc, hồng không hạt Quản Bạ. Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đang xem xét để cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm gạo tẻ già dui tại xã Thèng Phàng, huyện Xín Mần, Hà Giang.
Các sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc sản của Hà Giang khi được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý sẽ tạo cơ hội thúc đẩy và mở rộng sản xuất đối với sản phẩm theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và nâng cao thu nhập của người nông dân; ngoài ra, khi các sản phẩm nông nghiệp đặc thù được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý cũng góp phần quảng bá hình ảnh của Hà Giang đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của các sản phẩm nông nghiệp địa phương khi được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý, trong những năm qua, Sở KH và CN Hà Giang đã xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc thù của địa phương; ngành KH và CN của tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác xúc tiến, hướng dẫn các địa phương, đơn vị trong tỉnh có các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, đủ điều kiện để đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ xem xét cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm./.
Theo dangcongsan.vn