Vừa qua, đoàn công tác tỉnh Đắk Lắc do ông Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu, phối hợp với Hội đồng doanh nghiệp Ốt-xtrây-li-a - Việt Nam (AVBC) đã tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Ốt-xtrây-li-a tại Thành phố Xít-ni nhằm tìm hiểu thị trường và kêu gọi đầu tư vào Đắk Lắk.
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Lắc đã giới thiệu tới các doanh nghiệp Ốt-xtrây-li-a về điều kiện tự nhiên, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và tiềm năng, lợi thế của tỉnh cũng như các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trọng điểm như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp dệt may, năng lượng điện gió, điện mặt trời và các lĩnh vực về dịch vụ, du lịch…
Bên cạnh việc kêu gọi đầu tư, đại diện tỉnh Đắk Lắk cũng đưa ra nhiều giải pháp ưu đãi cho các nhà đầu tư như giúp doanh nghiệp khi gặp khó khăn, thực hiện các cam kết về đất đai, thuế và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, đảm bảo quyền lợi cho người đầu tư…
Tại hội thảo, các doanh nghiệp Ốt-xtrây-li-a đã tích cực trao đổi thông tin, quan tâm đến các dự án liên quan đến thế mạnh của tỉnh như cà phê, hạt tiêu, giáo dục, chuyển giao công nghệ, du lịch, bất động sản… cũng như môi trường đầu tư, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khi doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, hình thức kết nối doanh nghiệp giữa hai bên.
Ninh Bình: Xúc tiến quảng bá du lịch
Hiệp hội Du lịch và Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Bình “Non nước hữu tình”.
Chia sẻ về mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình, ông Phạm Duy Phong - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: Năm 2016, tỉnh Ninh Bình đón 6,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 1.700 tỷ đồng. Ngành du lịch Ninh Bình đặt mục tiêu đón 6,7 triệu lượt khách trong năm 2017; đến năm 2020 đón 7,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng. Ninh Bình phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Tại Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Bình, đại diện nhiều Cty lữ hành, kinh doanh dịch vụ du lịch đã nêu một số bất cập, tồn tại cần được khắc phục để du lịch Ninh Bình tiếp tục phát triển. Chẳng hạn, giá vé ở các điểm tham quan du lịch tại Ninh Bình tăng thường xuyên, gây khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành. Vào mùa cao điểm du lịch, du khách phải chờ đợi rất lâu tại các điểm tham quan, vé tham quan in mờ và mau phai khiến việc quyết toán thuế của Cty kinh doanh dịch vụ lữ hành gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch Việt Nam đề xuất: Ngành du lịch Ninh Bình cần quan tâm hơn đến công tác xúc tiến quảng bá đi vào chiều sâu, đến từng thị trường cụ thể, nhất là thị trường khách du lịch quốc tế. Ngoài những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử vốn có thì điểm lớn nhất thu hút khách du lịch là các dịch vụ vui chơi giải trí. Vì vậy, Ninh Bình cần tiếp tục đầu tư chuyên nghiệp từ cơ sở hạ tầng đến đội ngũ quản lý, cung cấp dịch vụ nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Sóc Trăng: Kêu gọi đầu tư 89 dự án
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, UBND tỉnh Sóc Trăng đã thống nhất thông qua danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2017-2020.
Theo đó, có 89 dự án gồm các lĩnh vực nông nghiệp; phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; thương mại, dịch vụ và xây dựng; du lịch; giao thông vận tải; năng lượng điện gió... được đưa ra để ưu tiên kêu gọi đầu tư.
Đối với các dự án này, ngoài các ưu đãi về chính sách đất đai, thuế, phí, địa phương sẽ hỗ trợ chi phí thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh; tư vấn hỗ trợ thực hiện nhanh các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư; hỗ trợ giải phóng mặt bằng; xem xét hỗ trợ làm đường giao thông, hệ thống điện, cấp nước, viễn thông đến chân hàng rào dự án…
Tuy nhiên, địa phương sẽ không áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư về đất đai đối với các dự án thuộc trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất./.
Theo dangcongsan.vn