Kỳ họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (diễn ra từ 11 đến 20-9) đã khai mạc sáng qua 11-9. Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, kỳ họp này sẽ diễn ra trong thời gian 8 ngày, nhiều hơn 2 ngày so với dự kiến.
Tại kỳ họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các dự án luật như: dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật An ninh mạng; dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)...
Các đại biểu cho ý kiến về một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về: báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017; báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội...
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.
Theo đó, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao sẽ trình bày báo cáo công tác. Bộ trưởng Bộ Công an trình bày báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình bày báo cáo về công tác thi hành án. Tổng thanh tra Chính phủ trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chưa cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp và dự án Luật Hành chính công theo như dự kiến ban đầu.
* Sau phiên khai mạc, các đại biểu cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đây là dự án luật sẽ được trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vào tháng 10 tới.
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có 6 Chương với 78 Điều và 4 Phụ lục; quy định về quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan Nhà nước tại 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Trình bày tờ trình về dự án luật, Bộ trưởng Bộ KH và ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Mục tiêu của việc xây dựng dự án Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của 3 đơn vị hành chính - kinh tế nêu trên.
Luật này áp dụng tại một số khu vực có ranh giới địa lý xác định nên cần mạnh dạn cho phép thực hiện các chính sách mới, đột phá và đặc biệt về kinh tế - xã hội.
Chính phủ cũng đề nghị xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo hướng không xác định có cấp chính quyền địa phương và do đó không tổ chức HĐND và UBND.
Thay vào đó, tại các đơn vị này, tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, quyết định, tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện không có điều khoản nào quy định tổ chức cấp chính quyền mà không có UBND, HĐND; nhưng có thể hiểu “đặc khu hành chính - kinh tế là một chính quyền nhưng được tổ chức khác do Luật định”.
Do vậy, “Chúng tôi đề nghị không tổ chức UBND, HĐND ở đây mà tổ chức một đơn vị như Trưởng đặc khu để tập trung phân cấp, phân quyền, tập trung xử lý công việc hiệu lực hiệu quả tại đây. Còn giám sát theo ngành dọc chúng ta vẫn giữ của bộ, ngành, Chính phủ và UBND tỉnh, huyện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về “xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”. Đồng thời, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cũng cho rằng, cần thiết thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; đồng tình để Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, cần phải có đánh giá tác động đến quốc phòng an ninh, đến phân bổ dân cư; việc thực hiện giám sát thế nào... khi xây dựng Luật.
“Đồng thời, cũng phải đánh giá tác động đến người dân sở tại ra sao vì họ là những người có thể mất đất, là đối tượng có thể nhiễm tệ nạn vì chúng ta mở casino”, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề xuất.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Võ Trọng Việt cũng cho rằng, việc xây dựng đơn vị hành chính phải được thực hiện “rất chặt về quốc phòng an ninh, nhưng thoáng về thương mại”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng việc xây dựng mô hình mới này phải giữ nguyên tắc lấy sự ổn định quốc phòng an ninh, toàn vẹn lãnh thổ là cái cốt, còn về kinh tế có cái “nổi trội, thông thoáng” để thu hút đầu tư.
Các đơn vị hành chính - kinh tế này cần phải có chính sách phải phù hợp với thực tế. Bộ máy phải rất gọn nhẹ, quyền hạn cao nhưng kiểm soát phải đặc biệt, “không được đưa cá nhân vào đây”.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đây là dự án Luật quan trọng, chủ trương đúng đắn nhưng phải rất cân nhắc, thận trọng; thảo luận thật kỹ, không chỉ ở 2 kỳ họp, mà có thể là 3 kỳ họp của Quốc hội./.
Theo nhandan.com.vn