Tối 20-8, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với UBND quận 1 tổ chức khai trương “Phố đi bộ Bùi Viện” trên tuyến đường Bùi Viện (từ đoạn đường Đề Thám đến Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão).
Phố Tây Bùi Viện bắt đầu được thi công từ đầu tháng 6 để chuyển thành phố đi bộ. Toàn bộ vỉa hè của phố Tây trước đây, từ ngã tư Bùi Viện - Đề Thám đến đường Đỗ Quang Đẩu được chỉnh trang đồng bộ, lát mới đá granite trên tuyến đường dài 1.400m, với tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng.
Phố đi bộ chính thức đi vào hoạt động vào ngày 20-8, sẽ thu hút rất đông du khách. |
Đến với phố đi bộ Bùi Viện, du khách sẽ được hưởng “4 dịch vụ miễn phí” gồm: Wifi, nhà vệ sinh, cung cấp thông tin hỗ trợ du khách và... nụ cười.
Thời gian hoạt động của phố đi bộ Bùi Viện từ 19h đến 2h ngày hôm sau, trong đó từ khung giờ 20-22h sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật vào tối thứ Bảy và Chủ nhật. Để bảo đảm lưu thông cho người đi bộ và du khách, các cơ sở kinh doanh tại phố Bùi Viện chỉ được phép bày bán trên toàn bộ phần vỉa hè, không được tràn xuống lòng đường.
Vĩnh Phúc: Sắp xếp lại 6 trường trung học phổ thông
Chuẩn bị cho năm học 2017-2018, tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện sắp xếp lại 6 trường THPT trên địa bàn, góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy tốt cơ sở vật chất và bảo đảm phân bổ hợp lý về vị trí địa lý.
Vĩnh Phúc là một trong 5 tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước nhưng có tới 30% là đồi núi, mật độ dân cư thấp, chủ yếu người dân tập trung sinh sống ở khu vực đồng bằng, trung du.
Do đó, việc tồn tại nhiều trường THPT quá gần nhau nảy sinh nhiều bất cập. Theo Sở GD và ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh đã có 13 trường THPT bán công được thành lập và đặt gần các trường THPT công lập đã có từ trước. Sau này, khi các trường THPT bán công chuyển thành công lập thì có hiện tượng một số trường có khoảng cách quá gần nhau, gây khó khăn cho việc tuyển sinh.
Tình trạng này vừa khiến bộ máy cồng kềnh lại gây lãng phí cơ sở vật chất, bởi có trường chỉ có trên 200 học sinh ở cả 3 khối, trong khi hệ thống cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng giống như các trường có quy mô cả nghìn học sinh. Do đó, việc tổ chức lại một số trường không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy tốt cơ sở vật chất mà còn bảo đảm việc phân bổ hợp lý về vị trí địa lý.
Ngày 28-7 vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định tổ chức lại các trường gồm: Trường THPT Hồ Xuân Hương và THPT Đội Cấn, huyện Vĩnh Tường thành Trường THPT Đội Cấn; Trường THPT Văn Quán và THPT Trần Nguyên Hãn, huyện Lập Thạch thành Trường THPT Trần Nguyên Hãn; Trường THPT Thái Hòa và THPT Liễn Sơn, huyện Lập Thạch thành Trường THPT Liễn Sơn./.
Theo dangcongsan.vn