Trong 3 ngày (từ 1 đến 3-8), Sở GD và ĐT tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức bồi dưỡng chính trị cho cán bộ quản lý và giáo viên THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp.
Trong thời gian bồi dưỡng, hơn 1.200 cán bộ quản lý, giáo viên được quán triệt một số nội dung, như: Các vấn đề cơ bản và những điểm mới trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 và Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); tình hình quốc tế và trong nước nổi bật trong 6 tháng đầu năm; một số vấn đề tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân theo tinh thần triển khai Kết luận 94-KL/TW, ngày 28-3-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chuyên đề về học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; những vấn đề kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tiền Giang: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Theo Sở NN và PTNT tỉnh Tiền Giang, từ năm 2010 đến nay, ngành Nông nghiệp của tỉnh này đã triển khai áp dụng có hiệu quả nhiều chính sách khuyến khích sản xuất, đầu tư hướng đến nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đó là chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng “Cánh đồng lớn”…
Cũng theo Sở NN và PTNT tỉnh Tiền Giang, ngành Nông nghiệp của tỉnh này đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như cải tạo, nâng cấp Trại Giống cây ăn quả Hòa Hưng (huyện Cái Bè); Phòng Kiểm nghiệm hạt giống; Phòng Kiểm nghiệm chất lượng VSATTP trực thuộc Trung tâm Tư vấn và Kiểm định chất lượng nông, lâm, thủy sản (Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản). Đồng thời, ngành cũng tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở.
Nhiều dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua, điển hình như: Dự án “Khảo nghiệm, chọn lọc các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu tốt với sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu”, đồng thời, bước đầu thực hiện thành công Đề tài nghiên cứu “Đánh giá, tuyển chọn giống lúa cao sản thích nghi điều kiện canh tác nhiễm mặn tại huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang”./.
Theo dangcongsan.vn