Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính do Văn phòng Chính phủ tổ chức đã diễn ra ngày 29-8, tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc xây dựng Nghị định được thực hiện trên cơ sở điều chuyển nhiệm vụ quản lý Nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính; chủ trì triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính từ Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp sang Văn phòng Chính phủ và nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2017 của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ chủ trì nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và tổ chức triển khai thực hiện sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành.
Với chủ trương chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, quan điểm chủ đạo trong xây dựng Nghị định là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Theo đó, việc xây dựng Nghị định không chỉ dừng lại ở nâng cấp, hoàn thiện các quy định tại Quyết định 09/2015/QĐ-TTg, mà còn bao quát toàn diện, bảo đảm tính hiệu quả của việc giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, khắc phục những hạn chế tồn tại; đồng thời tạo cơ chế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục hành chính.
Các đại biểu dự hội thảo nhận định Nghị định được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để triển khai có hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương và địa phương; về cách thức tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; về tổ chức và hoạt động của bộ phận một cửa tại cơ quan hành chính Nhà nước ở các cấp; về cổng dịch vụ công quốc gia và các hệ thống thông tin một cửa giải quyết thủ tục hành chính và cơ chế bảo đảm, kiểm tra, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính ở các cơ quan hành chính Nhà nước.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN và MT, đại diện nhóm nghiên cứu của Tổ chức Oxfam khuyến nghị Nghị định cần có các quy định nhằm bảo đảm người dân thuộc các nhóm yếu thế có điều kiện phù hợp để thực hiện các thủ tục hành chính; có cơ chế phù hợp tạo điều kiện cho người dân tham gia vào giám sát và đánh giá quá trình thực hiện và giải quyết các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Nghị định cũng cần quy định về lộ trình xây dựng, vận hành hệ thống một cửa điện tử phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính.
Dẫn chứng kinh nghiệm của một số nước và địa phương trong nước, ông Đặng Hùng Võ cho rằng chính quyền có thể tạo điều kiện cho người dân tiếp cận theo hệ thống một cửa điện tử hoặc thông thường, mở nhiều cửa để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc nộp hồ sơ. Đây là cơ chế ngăn ngừa tham nhũng khá tốt. Bởi, tham nhũng vặt dẫn đến tham nhũng lớn đều bắt nguồn từ thủ tục hành chính.
Tán thành với việc Nghị định mở rộng phạm vi thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước bao gồm cả các bộ, ngành, thay vì chỉ ở các địa phương như trước, nhiều đại biểu kiến nghị mô hình tổ chức “một cửa” ở bộ, ngành thế nào lại phải tính đến những đặc thù trong tổ chức và hoạt động; song song đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu tiếp nhận, xử lý và hoàn trả hồ sơ nhằm rút ngắn thời gian xử lý, cải thiện tiến độ và chất lượng xử lý, hoàn trả hồ sơ đúng hạn cho tổ chức, cá nhân...
Theo baotintuc.vn