Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định dành nguồn ngân sách của tỉnh cùng với nguồn ngân sách Trung ương từ chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch với tổng kinh phí là 45 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch và bảo tồn sinh thái Đảo Cò, ở xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện (Hải Dương).
Theo đó, dự án bảo tồn Đảo Cò gồm mở rộng 2 Đảo Cò hiện có (đảo 3A, đảo 3B), đắp đất tạo đảo mới (4C); kè gia cố bao quanh đảo để giảm hiện tượng xói mòn và sạt lở đất; trồng bổ sung cây tre trên đảo cũ và xây dựng tuyến đường giao thông quanh hồ An Dương. Dự kiến trong tháng 7 này sẽ đấu thầu lựa chọn nhà thầu để triển khai dự án.
Các loài cò sinh sống trong khu vực Đảo cò Chi Lăng Nam. |
Khu danh thắng Đảo Cò thuộc thôn An Dương và thôn Triều Dương, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện có diện tích 67ha. Tâm điểm của hồ là Đảo Cò với diện tích 7.324m2 trong lòng hồ An Dương 2,8ha và một đảo mới hình thành từ khi di dời 7 hộ dân vào năm 2007 là 3,5ha.
Đảo Cò hiện là nơi trú của khoảng 16 nghìn con cò, 6.000 con vạc như cò lửa, cò ruồi, cò bợ, cò đen, cò nghênh, cò diệc, cò trắng, cò ngang, cò hương và ba loại vạc là vạc xám, vạc xanh, vạc đen. Ở đây còn có nhiều loài chim quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng như: diệc xám, chim trả, bói cá, bồng chanh, cuốc, cú mèo...
Hồ An Dương rộng hàng chục ha, là nơi trú ngụ của nhiều loài cá quý cùng các loại thực vật thủy sinh, hoang dã.
Năm 2016, Đảo Cò đã được công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia.
Bình Dương: Số người mắc bệnh sốt xuất huyết tăng cao
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 3.000 ca mắc sốt xuất huyết. Bệnh xảy ra tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; trong đó những địa phương có số ca mắc tập trung ở Thị xã Thuận An, Thị xã Dĩ An, Thành phố Thủ Dầu Một và Thị xã Bến Cát. Riêng địa bàn Thị xã Thuận An, tính từ đầu năm đến hết tháng 4 đã ghi nhận 342 ca mắc, tăng 83 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016.
Trong những ngày đầu tháng 7, số ca người lớn mắc sốt xuất huyết nhập viện ở Bình Dương mỗi ngày trung bình khoảng 30 bệnh nhân, có ngày lên tới hơn 40 bệnh nhân.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành Y tế Bình Dương đã đưa ra các biện pháp cụ thể như tích cực chủ động giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, xử lý triệt để ổ dịch; kiện toàn, tăng cường các hoạt động của đội chống dịch cơ động; kịp thời thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân bảo đảm không lây nhiễm chéo và giảm tải cho các cơ sở điều trị.
Sở Y tế Bình Dương cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến bệnh viện trễ không được cấp cứu điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện. Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh cần tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, diệt côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt loăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên; tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân tại tất cả các tuyến; bảo đảm đủ nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch chủ động đạt hiệu quả./.
Theo dangcongsan.vn