Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,11% so với tháng trước. Ðây là mức tăng CPI tháng 7 thấp nhất trong 5 năm gần đây.
Cụ thể, có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tăng giá, gồm: Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,73%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,54%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,36%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; giáo dục tăng 0,05%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,04%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,04%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,03%.
Ảnh minh họa/Internet. |
Còn lại 3/11 nhóm hàng giảm giá. Trong đó nhóm giao thông giảm mạnh nhất với mức giảm 1,52%; bưu chính viễn thông giảm 0,06%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,03%.
Các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 7 là do nhóm thực phẩm sau 6 tháng giảm đã tăng trở lại vì giá thịt lợn bắt đầu tăng từ giữa tháng 7 với mức tăng khá cao, bình quân tăng 3,19% so với tháng trước. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của mưa bão và lũ quét làm cho giá rau xanh tăng 2,56% so với tháng trước.
Chỉ số giá nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng do các tỉnh, thành phố siết chặt việc quản lý khai thác cát cùng với việc doanh nghiệp đầu cơ tăng giá khiến giá cát tăng mạnh…
Nguyên nhân nữa là trong tháng 7 có kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi THPT quốc gia nên nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giải khát, tăng làm cho giá các mặt hàng này tăng theo…
Ở chiều ngược lại, những yếu tố kìm tốc độ tăng CPI là nguồn cung lương thực trong nước dồi dào. Giá xăng dầu giảm so với tháng trước do ảnh hưởng từ đợt giảm giá ngày 5-7 góp phần giảm CPI chung khoảng 0,14%...
Theo Vụ Thống kê giá, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý gồm cả dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 7 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ./.
Theo chinhphu.vn