Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6

07:07, 04/07/2017

Ngày 3-7-2017, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến phiên họp thường kỳ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, kết quả đối ngoại 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo phiên họp. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo phiên họp.
Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

6 tháng đầu năm, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, nhiều bộ, ngành các địa phương đã tích cực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về các nhiệm vụ chủ yếu góp phần đạt kết quả tốt trên nhiều lĩnh vực. Các lĩnh vực văn hóa, TDTT, TT và TT, GD và ĐT, KH và CN, lao động việc làm, an sinh xã hội, y tế tiếp tục có bước phát triển. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,52% so với cùng kỳ năm ngoái; giá cả có xu hướng ổn định. Tổng sản phẩm trong nước tăng 5,73% so với cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng khá. Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 563,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước ước bằng 41,9% dự toán năm. Nông nghiệp, sản xuất công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực; khu vực dịch vụ phục hồi mạnh, đạt mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2012 trở lại đây; trong đó dịch vụ du lịch đạt mức tăng trưởng khá. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 24,1%. Môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả, tăng cường quan hệ với các đối tác lớn, mở ra một chương mới trong đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới. Công tác xúc tiến đầu tư của nhiều tỉnh đạt kết quả cao. Tổng vốn FDI đăng ký mới, bổ sung, góp cổ phần đạt 19 tỷ USD, tăng 54,8%, vốn thực hiện là 7,7 tỷ USD.

Trong đó tỉnh ta là địa phương xếp thứ 3/60 tỉnh, thành phố thu hút đầu tư FDI, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư, chỉ sau tỉnh Thanh Hóa (chiếm 15,9%) và tỉnh Bắc Ninh (chiếm 14,8%).

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, một bộ phận cán bộ, chính quyền địa phương chưa quyết liệt, nỗ lực thực hiện hết trách nhiệm trong các nhiệm vụ, dẫn đến còn nhiều tồn tại như: Vấn đề tiêu thụ một số sản phẩm gia súc, gia cầm, nông sản còn khó khăn, giá giảm gây ảnh hưởng đến người sản xuất. Tăng trưởng công nghiệp, xây dựng còn thấp, khai khoáng giảm, riêng dầu khí giảm 11,8%. Số doanh nghiệp rời thị trường tăng gần 17%; một số doanh nghiệp chờ giải thể, phát sinh các doanh nghiệp thua lỗ kéo dài; chi phí sản xuất còn cao, nhất là vận tải. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn còn rất chậm. Còn tồn tại nhiều vấn đề xã hội bức xúc như: mất an toàn thực phẩm, nợ đọng BHXH, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, ô nhiễm môi trường, nạn chặt phá rừng, khai thác khoáng sản gây sạt lở bờ sông. Trật tự ATXH nhiều nơi còn phức tạp, còn xảy ra nhiều TNGT nghiêm trọng.

Trong bối cảnh kinh tế quốc tế diễn biến phức tạp, thời gian tới, kinh tế Việt Nam dự kiến có thể gặp nhiều khó khăn do tác động từ các yếu tố bên ngoài và cả nguyên nhân nội tại. Để phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7%, trong 6 tháng cuối năm, các cấp, ngành, các địa phương cần nỗ lực thực hiện quyết liệt các giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực và các giải pháp bền vững, dài hạn gắn với cơ cấu lại nền kinh tế.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương đã tập trung phân tích các tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước 6 tháng đầu năm 2017, đặc biệt đã đề xuất các chủ trương, biện pháp quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra cho năm nay.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng cho rằng, tuy nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là rất nặng nề nhưng nền kinh tế còn nhiều dư địa để tăng trưởng vì vậy vấn đề đặt ra là các cấp, các ngành phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, cải cách đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là các bộ quản lý sản xuất, kinh doanh và vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn. Để đạt mức tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong sản xuất, tiêu thụ lúa, nông sản; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn; cải cách mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính... Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp, gồm: Nhóm giải pháp duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, kịp thời đề xuất giải pháp điều hành, ứng phó với diễn biến mới của tình hình kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế và trong nước. Chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Tập trung giải quyết nợ xấu gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém; thực hiện hiệu quả các đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, ngân hàng, khu vực doanh nghiệp Nhà nước; cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động. Nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong các ngành, lĩnh vực. Trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chú trọng thông tin cho người dân về tình hình cung cầu, giá cả thị trường; chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; thúc đẩy sản xuất phục vụ xuất khẩu. Trong sản xuất công nghiệp cần theo dõi sát diễn biến giá dầu, triển khai phương án khai thác sản lượng dầu thô an toàn, bảo đảm hiệu quả kinh tế; xây dựng phương án xử lý dứt điểm sản lượng than và một số khoáng sản tồn kho; khuyến khích các doanh nghiệp chủ động lựa chọn phương án phù hợp đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận và mở rộng thị trường, nhất là trong công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động. Trong khu vực dịch vụ, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch; nâng cao chất lượng môi trường du lịch; làm tốt công tác chuẩn bị các hoạt động văn hóa đối ngoại phục vụ hội nghị APEC. Nhóm giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước, kiểm soát nhập khẩu phù hợp tiến tới cân bằng thương mại bền vững. Tập trung rà soát các biện pháp hàng rào kỹ thuật áp dụng để kiểm soát nhập khẩu; theo dõi chặt chẽ tình hình nhập khẩu một số mặt hàng từ khu vực ASEAN để có giải pháp kiểm soát kịp thời, bảo vệ sản xuất trong nước. Xây dựng phương án ứng phó, đề xuất giải pháp đàm phán đối với khả năng thay đổi chính sách của Mỹ áp dụng cho các sản phẩm xuất khẩu tôm, cá tra, bảo đảm mục tiêu giữ được thị trường xuất khẩu quan trọng này; tăng cường xuất khẩu mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc. Ngăn chặn và xử lý nghiêm theo pháp luật các hoạt động buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng nhái; đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại góp phần thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường. Nhóm giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư trong nền kinh tế, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, huy động các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đối với nhóm đầu tư công cần kịp thời loại bỏ, tháo gỡ rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Đối với vốn FDI, cần tăng cường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại. Nhóm giải pháp tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nợ công, giảm bội chi ngân sách… tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, nhất là cộng đồng doanh nghiệp, cùng thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng hành cùng Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2017./.

Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com