Hà Nội: Có thể nạo vét hồ Hoàn Kiếm từ cuối tháng 7-2017

08:06, 14/06/2017

Ngày 12-6, Cty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã lấy mẫu nước, khí, trầm tích tại hồ Hoàn Kiếm để phân tích phục vụ công tác nạo vét bùn và làm sạch nước hồ.

Hồ Hoàn Kiếm.
Hồ Hoàn Kiếm.

Công việc được thực hiện bởi cơ quan tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường là Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội). Từ kết quả xét nghiệm, tư vấn sẽ xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường, trình Sở TN và MT, Bộ TN và MT cho ý kiến, qua đó Cty sẽ hoàn thiện phương án nạo vét hồ để trình UBND thành phố phê duyệt. Do hồ Hoàn Kiếm là di tích quốc gia đặc biệt nên việc làm sạch nước hồ cũng sẽ lấy ý kiến của Bộ VH, TT và DL. Nếu được chấp nhận, cuối tháng 7 đầu tháng 8-2017 sẽ bắt đầu nạo vét và làm sạch hồ.

Được biết, phương án nạo vét sơ bộ là chia 12ha diện tích mặt hồ làm 10 ô, được nạo vét từng ô. Riêng khu vực Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn sẽ thực hiện nạo vét thủ công để bảo vệ chân kè.

Trà Vinh: Người nuôi gà thua lỗ nặng

Từ đầu năm đến nay giá gà thịt trên địa bàn tỉnh Trà Vinh liên tục giảm làm cho người chăn nuôi thua lỗ nặng. Rất nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh Trà Vinh không còn đủ tiền vốn để tái đàn nên buộc phải “treo” chuồng trại.

Từ tháng 2 đến nay, giá gà liên tục giảm và hiện ở mức 50-55 nghìn đồng/kg, người nuôi bị lỗ từ 10-15 nghìn đồng/kg. Giá thịt gà lông trắng nhập khẩu hiện được bán với giá 17-20 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, do giá thịt lợn giảm thấp nên thị trường tiêu thụ thịt gà cũng bị giảm theo, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu mặt hàng thực phẩm thịt gà.

Theo báo cáo của Sở NN và PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng đàn gia cầm trên 4 triệu con, trong đó đàn gà chiếm khoảng 60%. Trước tình trạng giá gà giảm thấp, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi thay đổi hình thức nuôi công nghiệp; nên mở diện tích sân vườn để gà hoạt động cải thiện chất lượng thịt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thích sử dụng thịt gà thả vườn hơn gà công nghiệp.

Quảng Nam: Độc đáo ngày hội trình diễn nghi thức dựng cây nêu

Với chủ đề “Hương sắc vùng cao Quảng Nam”, tối 11-6, tại Quảng trường trung tâm hành chính huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra Ngày hội trình diễn nghi thức dựng cây nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ngày hội bao gồm các hoạt động như: triển lãm, trưng bày hình ảnh, hiện vật, điêu khắc, kiến trúc tạo hình liên quan đến văn hóa và đặc trưng cây nêu của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam. Chương trình biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống do hơn 600 nghệ nhân, diễn viên quần chúng của 16 thành phần dân tộc đến từ 14 tỉnh, thành phố thực hiện, gồm: Cơ tu, Cor, Gié triêng, Xơ đăng (Quảng Nam); Bana (Kon Tum); Mơ’nông (Đắk Nông); Gia rai (Gia Lai); X’tiêng (Bình Phước); Raglai (Ninh Thuận); Hơ rê (Quảng Ngãi); Tà ôi (Thừa Thiên Huế); Sán Dìu (Tuyên Quang); Tày (Thái Nguyên); Nùng (Lạng Sơn); Thái (Sơn La); Mường (Thanh Hóa); Cơ tu (Đà Nẵng). 

Điểm nhấn của ngày hội, du khách sẽ được thưởng thức phần trình diễn nghi lễ dựng cây nêu của đồng bào Cơ tu sinh sống tại vùng cao Quảng Nam. Từ xa xưa, cây nêu là biểu tượng không thể thiếu trong những tín ngưỡng thần linh quan trọng của người Cơ tu vào các dịp tạ ơn công đức cha mẹ, kết nghĩa, mừng làng, mừng năm mới, nhà mới, thắng trận, cúng đất, cúng tộc họ… Đồng thời, cây nêu còn thể hiện sức mạnh của tình đoàn kết, sự vững chãi như một “bức bình phong” che chắn cho cộng đồng dân cư./.

Theo dangcongsan.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com